Tại điểm cầu Đồng Tháp, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp; ông Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan tham dự.
Đại biểu Quốc hội tham dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia phát biểu ý kiến về gói hỗ trợ dự kiến dành 64.000 tỷ đồng để tiếp tục miễn, giảm thuế, phí vào năm 2022 là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động và kích thích nhu cầu phát triển, sản xuất kinh doanh. Qua đó, cũng giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nào.
Đại biểu kiến nghị nên tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, các doanh nghiệp có sức lan toả rộng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh. Mặt khác, cũng quan tâm đến các loại hình sản xuất kinh doanh như bất động sản, chứng khoán, các loại hình kinh doanh chưa thật sự cần thiết hiện nay để bù đắp lại các khoản thu thấp.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần quan tâm chi cho công tác phòng, chống dịch, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị y tế, nhân lực cho ngành y tế; tập trung cho tuyến y tế cơ sở về nhân lực và trang thiết bị, chính sách tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, nhất là cơ sở điều trị bệnh Covid-19; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, tuy nhiên cũng cần giám sát chặt chẽ đối tượng vay vốn…
Tại phiên thảo luận, ĐBQH tập trung vào nội dung các chính sách; đề nghị các ngân hàng thương mại cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận với chính sách, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất. Gói hỗ trợ gần 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan trọng để hỗ trợ cho các đối tượng phục hồi sản xuất, nên cần có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như ngành du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Đồng thời tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và không chính thức; xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc…