Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận từ điểm cầu Đà Nẵng.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về 5 quan điểm lớn, 3 mục tiêu, 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra. Đại biểu cho rằng, gói chính sách hỗ trợ lần này được Chính phủ trình Quốc hội xem xét hết sức kịp thời, có quy mô tương đối, tác động cả về cung và cầu, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay.
Theo đạo biểu, dự kiến tăng bội chi ngân sách nhà nước 240.000 tỷ đồng để thực hiện gói hỗ trợ chính sách tài khóa trong 2 năm 2022-2023 là cần thiết và phù hợp. Ngoài việc miễn, giảm thuế, phí và đầu tư công, Chính phủ đã tính toán đến nhiều khía cạnh bức xúc phát sinh trong xã hội trong thời gian vừa qua. Các gói chính sách này nhằm tạo nguồn lực tài chính, góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc, tính toán đến vấn đề mức bội chi cho cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 để đảm bảo phù hợp theo kế hoạch tài chính quốc gia mà Quốc hội đã thông qua.
Đồng tình với việc tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách tương ứng, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh, chính sách này nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, gia tăng tổng cầu, làm cơ sở thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự tính toán, xác định rõ đối tượng áp dụng, tập trung vào ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, đồng thời có phương án hoàn thuế phù hợp nhất nhằm tạo sự khuyến khích, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong xã hội.
Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cần ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực có tác động lớn, có tính lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. Đại biểu nêu ví dụ, như lĩnh vực du lịch, đây được xem là ngành kinh tế tổng hợp, ngành xuất khẩu tại chỗ, khi phục hồi hoạt động du lịch sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng hoạt động của các ngành khác như thương mại, tiêu dùng, vận tải, v.v..
Cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch là hết sức trân trọng và đáng khích lệ, đại biểu đề nghị cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền mặt, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. Theo đại biểu, phương án này sẽ giúp huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính nhằm tránh việc lợi dụng chính sách vào những mục đích khác.
Liên quan đến gói đầu tư kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển, đại biểu lưu ý, đây là một trong những đòn bẩy trong phục hồi kinh tế. Do đó, đề nghị cần sớm có rà soát, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công, bổ sung, thuyết minh chi tiết các dự án được lựa chọn theo các nguyên tắc, tiêu chí để làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư, bảo đảm việc phân bổ vốn, lựa chọn các dự án thuộc danh mục đầu tư trên cơ sở khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, khách quan, trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt lựa chọn dự án phải đảm bảo tính khả thi, đảm bảo hoàn tất các thủ tục đầu tư để có thể triển khai thực hiện giải ngân và hấp thụ vốn ngay trong năm 2022, 2023. “Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt và khẩn trương hơn trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình,..”, đại biểu đề xuất.
Nhấn mạnh lộ trình thực hiện chủ yếu chỉ trong 2 năm, để chương trình triển khai có hiệu quả, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương khẩn trương ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả, dễ triển khai thực hiện, có sự kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời, đề nghị làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, nhất là ở cơ sở trong tổ chức thực hiện./.