Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thỏa luận toàn thể trực tuyến về dự thảo về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận ngày 07/01.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ có 365 đại biểu phát biểu tại tổ, 50 đại biểu đã phát biểu tại hội trường, có 03 đại biểu tranh luận, ….Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có phần giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí cần thiết có chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều ý kiến thống nhất về quy mô gói chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời đề nghị rà soát việc phân bổ nguồn lực cho trọng tâm, trọng điểm, khả thi trong thực hiện, trong hấp thụ vốn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý việc tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, lãng phí, thất thoát, tiêu cực, trục lợi chính sách và đảm bảo các cân đối vĩ mô, an toàn, an ninh tiền tệ và an toàn tài chính quốc gia và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Tổ và ý kiến thảo luận toàn thể trực tuyến để xây dựng Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất./.