ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC NINH BÌNH - NAM ĐỊNH - THÁI BÌNH - HẢI PHÒNG

07/01/2022

Ngày 07/01/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.


Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chủ trì thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định. Tham dự có đại biểu khách mời là lãnh đạo một số sở, ngành, các ban HĐND tỉnh liên quan.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến.

Tại phiên thảo luận, đa số các ĐBQH đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định, đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận nêu rõ tính cấp thiết việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Theo đó, tuyến đường cao tốc đi qua Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài gần 79km nằm trong tổng thể quy hoạch tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (dài 160km) và mạng lưới đường bộ cao tốc phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Hiện tại, khu vực phía Đông của các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã có nhiều tuyến đường đi theo hướng Đông - Tây nhưng chưa có tuyến nối theo hướng trục Đông Bắc - Tây Nam; chưa có tuyến đường ven biển nối liền giữa các trung tâm kinh tế công nghiệp, cảng biển, du lịch để khai thác hết tiềm năng kinh tế, du lịch ven biển, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày cảng lớn cũng như công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh ven biển; phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Phía Tây Bắc có Quốc lộ 10 nối từ Thanh Hóa đi Quảng Ninh được nâng cấp đưa vào khai thác từ năm 2004 đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng; đoạn qua Hải Phòng, Thái Bình và các thành phố, thị trấn đạt tiêu chuẩn cấp 2 đồng bằng. Sau nhiều năm khai thác lưu lượng giao thông tăng nhanh nên Quốc lộ 10 hiện đã quá tải. 

Bên cạnh đó, phần đi qua địa phận thành phố Hải Phòng đã đầu tư xong, phần qua tỉnh Thái Bình đã xây dựng được khoảng 9km, còn lại chưa được quyết định đầu tư. Đánh giá tổng thể, dự án giao thông quan trọng của khu vực Nam đồng bằng sông Hồng này vẫn còn dở dang. Để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn và khai thác hết tiềm năng kinh tế - xã hội - du lịch, bảo vệ quốc phòng, an ninh thì việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình để nối liền với Hải Phòng - Quảng Ninh là cần thiết và quan trọng. 

Đối với tỉnh Nam Định, tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển vùng kinh tế biển, cảng biển nước sâu; phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể cự ly vận chuyển tới các cảng biển quốc tế, cửa khẩu tại Hải Phòng và Quảng Ninh, giảm tải đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ và Quốc lộ 10. Do đó, đoàn ĐBQH Nam Định đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét quyết định cho phép đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng trong Đề án Chính sách tài khóa, tiền tệ về hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2022. 

Đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đa số ĐBQH thống nhất cao với chủ trương và thảo luận về các chính sách áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết thúc từng nội dung thảo luận, các bộ trưởng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. 

(Theo Báo điện tử Nam Định)