ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN: CẦN NHIỀU QUYẾT SÁCH HỖ TRỢ PHỤC HỒI DU LỊCH

07/01/2022

Tại phiên thảo luận ngày 07/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có những quyết sách nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Trong đó, tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch trong đó có tỉnh Bình Thuận nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch quốc gia.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, du lịch là một trong những ngành bị tổn thất nặng nề nhất, phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Số lượng khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế; Nhiều doanh nghiệp du lịch tạm dừng, chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự; Phần lớn doanh nghiệp du lịch nợ ngân hàng,không doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay, khoản thuế, phí đến hạn; Lao động du lịch hầu hết bị mất việc, không có thu nhập, buộc phải chuyển làm nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại và một số khó khăn khác.

Vì vậy trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm có những quyết sách nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho ngành du lịch.Trong đó, tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch trong đó có tỉnh Bình Thuận (Khu du lịch Quốc gia - Mũi Né) nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch quốc gia. Có chính sách tái cấu trúc thị trường du lịch. Thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Cho phép các địa phương trong đó có Bình Thuận thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế theo các mô hình du lịch an toàn.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất không gian cảnh quan để thúc đẩy du lịch phát triển. Cần phân biệt đơn giá thuê đất giữa đất thực tế có cơ sở hạ tầng với đất lưu không, cây xanh, mặt nước, cảnh quan.Theo đại biểu, giá thuê đất đối với diện tích đất này chỉ nên bằng khoảng 30% - 40% đất thực tế hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, cần giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh sang mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất. Có chính sách miễn, giảm phí giao thông đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải lữ hành du lịch trong năm 2022. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Hỗ trợ nguồn lực cho địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.

Trước đó, tại thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết. Việc ban hành Nghị quyết  là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.

Lê Trang

Các bài viết khác