Tham gia phiên thảo luận tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái cùng các ĐBQH tỉnh.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại điểm cầu Yên Bái.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH nhất trí cao với các nội dung về chính sách tài khóa, tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời nêu rõ những nội dung cần cân nhắc trong sử dụng gói gần 114 nghìn tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Trong đó, các đại biểu nêu rõ: đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở phải có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí rõ cho từng loại xã, từng trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện và đề nghị bổ sung trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng chính sách.
Đối với nội dung giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% trong 2 năm, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ là chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thay vì phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã cần có trọng tâm, trọng điểm vào từng lĩnh vực bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; xem xét cung cấp, hướng dẫn hướng đi, phương thức thích ứng thay vì chỉ hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp; có cơ chế đấu thầu cho chương trình "Sóng và máy tính cho em” và phải xây dựng chiến lược dạy học trực tuyến….
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận tham gia ý kiến thảo luận.
Tham gia thảo luận trực tuyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cho rằng: trong quy mô tổng thể của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình cần bổ sung phần đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trong dự thảo Nghị quyết đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, thu hút đầu tư… cũng như tính khả thi của khả năng hấp thụ các nguồn lực trong thời gian 2 năm thực hiện cCương trình, nhất là các dự án đầu tư công.
Đối với chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, đại biểu Luận đề nghị khi Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các giải pháp để duy trì, bảo đảm cân đối ngân sách địa phương giúp các địa phương điều hành ngân sách được chủ động, linh hoạt, đảm bảo các quy định.
Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, đại biểu đề nghị trường hợp ủng hộ bằng hiện vật, công trình xây dựng thì áp dụng định mức, đơn giá hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đang có hiệu lực tại thời điểm quyết toán thuế.
Về giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, đại biểu đề nghị cần tính toán lãi suất của trái phiếu Chính phủ hợp lý, phù hợp với mặt bằng chung của lãi suất ngân hàng.
Về cơ chế cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu của dự án đối với các khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng đây là giải pháp tháo gỡ rất lớn cho các chủ đầu tư. Tuy nhiêu, cần cân nhắc kỹ việc giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm đánh giá tác động môi trường, quản lý giám sát việc khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản, nộp thuế, phí và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị xem xét, giao cho UBND cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm soát nội dung này.
Về chính sách chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và cho phép các địa phương được chủ động đề xuất danh mục dự án. Trên cơ sở đó, Chính phủ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn thực hiện, hạn chế đưa các dự án cơ quy mô, mức đầu tư nhỏ vào thực hiện Đề án.
Đại biểu cũng cho rằng Tây Bắc là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hệ thống y tế cơ sở chưa đáp yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, dành một phần nguồn lực của Chương trình để đầu tư, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực của ngành y tế, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền múi.
Trong phiên thảo luận trực tuyến, các bộ, ngành liên quan đã phát biểu giải trình, làm rõ những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu.