ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH DƯƠNG LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

23/08/2019

Ngày 22/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Trọng Nhân chủ trì hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Qua 03 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cho thấy, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản pháp luật đã được nâng cao hơn, nhiều văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu rất ủng hộ cần sửa đổi, bổ sung Luật ở một số quy định còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện như quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; thẩm quyền ban hành và thời gian thẩm định để ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế quy định thời gian hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.

Tại điều 30, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, “UBND cấp huyện, xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Các đại biểu cho rằng cần làm rõ vấn đề "Luật giao" này để các địa phương áp dụng và thực hiện đúng theo quy định.

Bà Võ Thị Tổng - Trưởng phòng Tư pháp Huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương - nêu ý kiến: “Cái vấn đề “ Luật giao” này phải quy định cho rõ hoặc bỏ luôn vấn đề về thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bởi vì vừa qua ở cấp huyện, xã ban hành rất ít văn bản quy phạm pháp luật. Cũng theo Điều 154 của Luật năm 2015 thì không có đề cập đến thời hạn hết hiệu lực của văn bản quy phạm bãi bỏ, cứ qua quá trình rà soát, cứ cập nhật và không biết hết thời hạn khi nào?”

Ông Phan Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương – góp ý thêm: “Ở cấp huyện, cấp xã trong Luật không có quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nó cũng là một cái khó, khó ở những vụ việc liên quan đến môi trường và đất đai nhưng ở huyện, xã không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cũng khó xử lý. Tôi kiến nghị cần có quy định chi tiết cụ thể việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho huyện, xã.”

Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương thì chia sẻ băn khoăn về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương hiện đều phải xin chủ trương của thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong khi đó, các vấn đề về chủ trương đã được Quốc hội, Chính phủ đưa vào Luật và các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên, yêu cầu cấp dưới phải ban hành. “Đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết của cấp tỉnh, thì tôi kiến nghị: đối với trường hợp ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân để quy định chi tiết điều, khoản, điểm lập ra trong khoản 1, điều 27 thì không cần lập ra bước đề nghị nữa, bởi vì cái đó cấp trên đã quy định rõ chủ trương cấp trên đã quy định rõ văn bản, chắc chắn không thể nào thường trực HĐND không ban hành được.”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân đồng tình với nhiều ý kiến rất thiết thực của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương sẽ tiếp thu, chỉ đạo văn phòng tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc Hội thời gian tới. 

Vũ Thạch

Các bài viết khác