THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG QUÁ TẢI Ở CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN TRUNG ƯƠNG

23/08/2019

Tại buổi Tọa đàm chuyên gia về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì vừa qua, đại diện Bộ Y tế cho biết, các Bộ, ngành đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương.

Đại diện Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ "giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương”, đại diện Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp, giải pháp sau: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020” và Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp được đề ra trong Đề án như: Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm số giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới Trạm y tế xã trong cả nước; tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để các Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện; Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện. Đến nay, sau 05 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và đạt được theo tiến độ; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Sau 5 năm triển khai Đề án Giảm tải bệnh viện cho đến nay ngành Y tế đã được đầu tư, xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, cụ thể: số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường; Về cơ bản tại các bệnh viện tuyến trung ương trạng quá tải đã được cải thiện đáng kể, những chuyên khoa quá tải hàng đầu là: Khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi cũng đều có xu hướng giảm như Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh là 168% còn 112% ; Bệnh viện Chợ Rẫy có công suất sử dụng giường bệnh là 154% còn 95%.

Riêng đối với thành phố Hà Nội, trong những năm trước khi triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện, tình trạng quá tải diễn ra liên tục từ nhiều năm tại hầu hết các bệnh viện của thành phố, năm sau cao hơn năm trước mặc dù các bệnh viện đã khắc phục bằng cách kê thêm giường bệnh từ 50-100% so với giường bệnh kế hoạch. Năm 2011 một số bệnh viện có mức độ quá tải cao như: bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, bệnh viện huyện Mê Linh, bệnh viện Ung bướu Hà Nội bệnh viện Đức Giang, bệnh viện Xanh Pôn thì đến năm 2018 công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện ở Hà Nội được cải thiện rất đáng kể.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người bệnh từ các tỉnh đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn của thành phố chiếm tỉ lệ 30% - 40%. Tình trạng quá tải từng diễn ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến thành phố. Tương tự với thành phố Hà Nội, các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh tình trạng quá tải cũng được cải thiện đối với các bệnh viện đa khoa, công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện Nhân dân; bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương; bệnh viện Phụ sản Từ Dũ; bệnh viện Nhi Đồng 1. Như vậy, tình trạng quá tải ở khu vực nội trú ở các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là có xu hướng giảm rõ rệt.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm

Thảo luận tại Tọa đàm, nhiều đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của ngành y trong việc giảm tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuy nhiên một số đại biểu chỉ rõ, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến Trung ương còn xảy ra trong lĩnh vực khám bệnh, tỷ lệ khám bình quân của một bác sĩ trong một ngày vượt cao hơn so với định mức mà Bộ Y tế đề ra như: Bệnh viện Bạch Mai trung bình 50-55 người bệnh/ bác sĩ/ ngày; Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình 55-60 người bệnh/ bác sĩ/ ngày. Hơn nữa, quá tải sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nếu không có các giải pháp mang tính đồng bộ và có tính hệ thống như : phát triển mạng lưới điều trị phù hợp với quy mô dân số; thực hiện việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực của tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, chưa kể đến, vấn đề tự chủ toàn phần về tài chính đã dẫn đến tình trạng một số bệnh viện không muốn giảm tải vì còn phải lo thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế, bác sĩ, nhân viên y tế...

Các đại biểu cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, cần có sự tham gia tích cực, phối kết hợp hơn của Bộ Y tế, các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội. Cần tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cùng các giải pháp quyết liệt nâng cao năng lực cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới đạt chuẩn quốc gia.

Kết luận một số nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Bộ Y tế tiếp thu những ý kiến xác đáng; thực hiện tốt các đề án, chương trình và giải pháp cho vấn đề quá tải bệnh viện đã được nghiên cứu, triển khai tương đối hiệu quả trong những năm qua; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan để khắc phục một số tồn tại trong việc giải quyết bài toán quá tải các bệnh viện./.

Hồ Hương