Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên họp
Tham gia ý kiến về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 100 của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đại biểu khẳng định việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình hợp với lòng dân, sát đúng với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, về cơ bản đã đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời rút ra được nhiều kinh nghiệm thực tiễn góp phần triển khai có hiệu quả trong giai đoạn tới.
Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, Trung ương và sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, đồng thuận của người dân đã giúp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự thành công và có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, kinh tế phát triển khá, văn hóa, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và tăng cường. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, nhất là vùng khó khăn. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xóm, khối bản được đầu tư xây dựng mới, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được quan tâm, thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới rộng khắp ở các vùng miền trên cả nước. Nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực như hiến đất, góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hỗ trợ các doanh nghiệp đã ủng hộ, đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng lên. Một số doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò nòng cốt trong chuỗi kết hợp sản xuất hàng hóa, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả mà được nhân rộng. Công tác quản lý, phân bổ nguồn vốn của trung ương và địa phương nhìn chung được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương trong thời kỳ đầu chưa quyết liệt, sự vào cuộc thực sự thực hiện chương trình còn chậm, việc triển khai vai trò, trách nhiệm và xây dựng nông thôn mới của một số bộ, ngành, địa phương trong thời gian đầu chưa được quan tâm. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế đề ra. Việc lồng ghép các chương trình xây dựng dự án khác thực hiện chương trình nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch nhìn chung đã có quan tâm, nhưng chất lượng quy hoạch chưa cao. Việc lập quy hoạch chi tiết có nơi, có lúc chưa đạt yêu cầu. Một số địa phương vẫn còn nợ xây dựng cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dẫn đến còn lúng túng trong phân bổ nguồn lực để trả nợ. Công tác chỉ đạo bảo đảm quy trình duy trì, duy tu, bảo dưỡng công trình các hạng mục, mục tiêu, chỉ tiêu nông thôn mới đã đạt được còn chưa được quan tâm. Chú trọng công tác thẩm định công nhận xã đạt chuẩn có nơi còn nể nang, gượng ép, một số tiêu chí hoàn thành nhưng ở mức độ còn thấp, tính bền vững chưa cao như văn hóa, giáo dục, hộ nghèo, y tế, môi trường. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả chưa cao, chưa có các mô hình kinh tế có hiệu quả với quy mô lớn, có tính đột phá. Mặc dù đạt và vượt mục tiêu để ra, nhưng còn sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa nông thôn mới, giữa các vùng, miền đồng bằng đạt 65%, miền núi 25%, số còn lại 222 xã đặc biệt khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó chủ yếu do chúng ta triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, đại dịch COVID và thiên tai, bão lụt tàn phá nặng nề. Các văn bản còn chưa thống nhất, có sự thay đổi, không ổn định. Bộ tiêu chí quốc gia còn nhiều bất cập. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả. Công tác vận động, tuyên truyền một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa đi vào chiều sâu, còn trông chờ thụ động cho học sinh hỗ trợ của ngân sách trung ương. Công tác xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa tốt, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương. Việc lấy ý kiến nhân dân còn sơ sài. Ban quản lý cấp xã có nơi hạn chế năng lực về tinh thần và trách nhiệm.
Từ những kết quả tồn tại, hạn chế nêu trên, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong nông thôn mới, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong thời gian tới triển khai một số giải pháp như: hướng dẫn việc lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án khác để góp phần xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn cụ thể về huy động nguồn lực trong nhân dân để tránh huy động quá sức dân. Đặc biệt là giai đoạn khó khăn, khắc nghiệt như hiện nay. Có cơ chế chính sách cụ thể để ngăn đào tạo nghề với lao động nông thôn. Có hướng dẫn về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô trang trại sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Có cơ chế đặc thù đối với các huyện, điểm trong xây dựng nông thôn mới.
Chính phủ cần có mức hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ của trung ương cho tỉnh từ chưa tự cân đối được nguồn ngân sách, bảo đảm đặc thù, tình hình thực tế của từng địa phương. Bố trí nguồn lực theo hướng ưu tiên tiêu chí nâng cao đời sống của nhân dân ở nông thôn; chỉ đạo các địa phương lập các dự án, kế hoạch triển khai đồng bộ theo lộ trình và từng bước đi thích hợp, có tính đột phá trong xây dựng nông thôn mới; coi trọng ưu tiên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế, công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực đầu tư của trung ương đúng quy định, sát thực tế, linh hoạt phù hợp với động lực và tạo động lực thúc đẩy để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng quốc gia nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Chính phủ chỉ đạo các địa phương để có lộ trình, kế hoạch cụ thể, để duy trì, nâng cao các tiêu chí chuẩn quốc gia ở các xã, huyện đã đạt nông thôn mới, tránh tái mất chuẩn và đặc biệt là đối với các xã hiện nay xây dựng nông thôn mới chưa đạt thì một thách thức lớn đó là các xã này có xuất phát điểm thấp, rất khó khăn. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần phải quan tâm đầu tư một cách hết sức để bảo đảm theo đúng quy trình và đạt mục tiêu./.