Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại phiên họp
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành 5 nghị định, 1 nghị quyết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trong thực hiện Nghị quyết 100 của Quốc hội, cùng với công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự tham gia giám sát, phản biện của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân các cấp được tăng cường. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân 5 năm giảm 1,43% góp phần phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, qua báo cáo cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn. Mặt khác, thực tế hiện nay, việc triển khai chính sách giảm nghèo chủ yếu theo 4 phương thức: Hỗ trợ trực tiếp gia đình tiền, hiện vật; hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là phương thức chủ yếu hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ thông qua mô hình kinh tế để nhân rộng. Việc hỗ trợ hiện vật cho bà con hiện nay đã tạo ra sức ì, không phát huy được sự tham gia của người nghèo. Người nghèo không được bàn bạc mà phổ biến thường là xã, huyện mua gà, dắt dê phát cho từng nhà. Từ tính thụ động như vậy nên ý thức quan tâm của chính người nghèo về những hiện vật được hỗ trợ thường không cao. Các chuyên gia cho rằng, chính chúng ta làm thay người nghèo, nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu phong tục, tập quán, thiên nhiên, khí hậu, địa hình nên đưa ra chính sách vào triển khai không đúng, không trúng, không đạt hiệu quả hoặc là hiệu quả không cao.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với các biện pháp, giải pháp đối với công tác giảm nghèo trong thời gian tới mà Quốc hội, Chính phủ đã được đưa ra. Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh một số nội dung đề nghị Chính phủ quan tâm như:
Một, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục những bất cập trong chấm điểm, phân loại hộ nghèo.
Hai, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng mở rộng các hạng mục hoạt động chi phí liên quan đến nội dung nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo; sửa đổi các quy định để thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính trong quá trình thực hiện.
Ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo 3 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Bốn, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, vốn đối ứng tham gia của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Năm, sớm áp dụng cơ chế đặc thù là lập hồ sơ xây dựng công trình đối với dự án đầu tư nhóm C quy mô nhỏ theo mô hình đơn giản, phù hợp với khả năng thực hiện của người dân, cộng đồng hưởng lợi, đồng thời phân cấp cho Ủy ban nhân dân xã thẩm định và phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình để triển khai thực hiện./.