ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN THAM GIA Ý KIẾN VỀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

26/02/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của các trường đại học xuất sắc nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng như đem lại những sản phẩm khoa học, công nghệ đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến về lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhận định, năm học 2019-2020 là năm học gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID. Những nỗ lực đặc biệt, những quyết định kịp thời ngành giáo dục, đào tạo đã đạt được những kết quả quan trọng, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Báo cáo của Chính phủ cho thấy ngành giáo dục đã đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành gắn với thực tiễn. Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, giáo dục hướng nghiệp, định hướng, phân luồng trong giáo dục phổ thông ngày càng trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các trường phổ thông, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi tình trạng thiếu vắng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu vắng giáo viên chuyên trách, tư vấn hướng nghiệp, giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp, đặc biệt là giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản. Các tư vấn hướng nghiệp vẫn do nhà trường tự tổ chức, phối hợp với các trung tâm giáo dục dạy nghề trên địa bàn hoặc các trường đại học, cao đẳng ở trong khu vực chủ yếu trong mùa tuyển sinh. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp chỉ có 9 tiết học trong một năm theo chương trình, khó đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của công tác giáo dục nghề nghiệp. Hiệu quả và việc triển khai các đề án ở cấp tỉnh, thành phố còn rất chậm. Vì vậy đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất cập nói trên. Nâng cao hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt thông qua việc tích hợp các tiện ích của công nghệ thông tin và khai thác sự tham gia của cộng đồng xã hội.

Về giáo dục đại học, có nhiều bất cập nảy sinh cần phải giải quyết sớm, như những xung đột không rõ nghĩa, hoặc việc chậm ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý, điều hành của lĩnh vực này. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật tại một số trường chưa thật sự nghiêm minh. Tình trạng sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục vẫn diễn biến phức tạp, lúc ẩn, lúc hiện, lẩn khuất đâu đó những chiêu trò trắng đen, tác động tiêu cực đến môi trường đào tạo, gây bất an cho phụ huynh học sinh và tâm lý của đội ngũ làm công tác giảng dạy. Việc thiếu nguồn lực tại một số cơ sở đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo yếu kém, khó khăn trong tuyển sinh, vấn đề liêm chính trong học thuật, trong nghiên cứu gây mất niềm tin và giảm động lực cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu chân chính.

Đại biểu cho rằng cần có một bộ chủ quản duy nhất chịu trách nhiệm về vấn đề này để đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục và đại học. Một hệ thống đo lường có hiệu quả, chất lượng quản lý giáo dục sau phổ thông. Vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường cao đẳng cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học xuất sắc.

Cuối cùng, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của các trường đại học xuất sắc nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng như đem lại những sản phẩm khoa học, công nghệ đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới./.

Minh Hùng