Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại phiên họp
Tham gia đóng góp ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang khẳng định việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực; bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện, hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, nông thôn phát triển theo quy hoạch; kiến trúc, cảnh quan, không bị pha tạp; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và khôi phục; đời sống người dân dần được nâng lên. Tính đến tháng 8/2020, có 5.350 xã đạt 60,23%, 152 đơn vị cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với lòng dân, đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, kết quả xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các vùng, các khu vực, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở những vùng này còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền của cả nước. Theo Báo cáo số 417 của Chính phủ đã nêu 2 vùng có tỷ lệ xã đạt nông thôn mới còn thấp nhất, đó là miền núi phía Bắc đạt 33,4%, Tây Nguyên 44,2%. Do nhu cầu nguồn lực xây dựng nông thôn mới của các địa phương này rất lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, xuất phát điểm thấp. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số. Mặt khác, do tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các chỉ tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập hộ nghèo và môi trường.
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong thực hiện chương trình thì việc có cơ chế hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương theo hướng ưu tiên cho các địa phương gặp khó khăn là cần thiết. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trong phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cần tính đến các nấc thang hệ số phân bổ vốn như quy định hệ số cấp tỉnh hoặc quy định hệ số theo 7 vùng trên cả nước. Trong đó, cần ưu tiên hệ số hỗ trợ cao hơn đối với tỉnh, vùng còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở hệ số cấp tỉnh hoặc vùng quy định hệ số phân bổ vốn đến cấp huyện, cấp xã, trong đó cần tính đến hệ số hỗ trợ đối với xã, huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu./.