Chất vấn Quốc hội vì sự phát triển của đất nước

15/06/2010

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 12 đã kết thúc sau 2,5 ngày làm việc. Những cải tiến trong phương thức tiến hành chất vấn đã và đang được phát huy tại Diễn đàn Quốc hội, làm cho các phiên chất vấn “nóng” hơn.

Chất lượng chất vấn tuy chưa phải đã làm tất cả hài lòng nhưng chỉ cần những Bộ trưởng trả lời chất vấn và có tham gia trả lời tại Quốc hội làm tốt những việc đã “hứa” là đã rất thành công. Làm sao để “khoảng cách” giữa nói và làm sau chất vấn “sát” nhau hơn nữa là điều mà chúng ta đều mong muốn.

Nói là thành công trong cải tiến phương thức chất vấn là vì tại phiên chất vấn lần này, việc trao đi đổi lại giữa đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ ngày càng sôi nổi hơn. Có lúc sự trao đổi ấy thể hiện rõ sự tranh luận nhưng chốt lại đều mang tính xây dựng.

 Diễn đàn Quốc hội không phải nơi báo cáo thành tích của các Bộ trưởng. Cử tri mong muốn mỗi câu trả lời của Bộ trưởng phải là một thông điệp. Thông điệp ấy càng rõ ràng càng tốt. Cách hỏi của đại biểu cho thấy, việc hỏi không đơn thuần chỉ là hỏi mà hỏi để xem Bộ trưởng có “bật” được hay không, “chốt” lại là gì?

Chẳng hạn như với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, điều mà đại biểu Quốc hội muốn làm rõ là việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng sẽ được giải quyết như thế nào?

Hay với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh thì điều đại biểu cần là “làm cho ra nhẽ” việc quản lý game online khi mà những con số điều tra cho tỷ lệ trò chơi mang tính bạo lực rất cao.

Chất vấn không phải là để “bắt bí” Bộ trưởng mà mong muốn cao nhất là để chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là hoạt động giúp Quốc hội và Chính phủ mạnh lên, cùng đồng hành vì đất nước.

Những vấn đề “nóng” tiếp tục được đặt lên bàn của Quốc hội cho thấy Quốc hội đang hoạt động vì cử tri gắn với cử tri. Ví như chính sách của Nhà nước là mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/kg để người trồng lúa có lãi 30% nhưng thực tế dân chỉ bán được 3.500 đồng/kg. Nhiều nơi do chi phí, cách tính như thế nông dân không thể đạt được mức lãi đề ra.

Hay với các đô thị lớn, ách tắc giao thông vẫn còn nguyên tính “thời sự” mặc dù  đây là câu chuyện quá cũ. Thế nhưng Bộ chủ quản lại có “sáng kiến” bịt các ngã tư tại Hà Nội để có thể giảm tắc đường. Không mang lại tác dụng, cách làm này còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế khi hàng trăm đèn tín hiệu giao thông bị vô hiệu hoá.

Trở lại với vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng cũng cho thấy, việc dân lo là hoàn toàn chính đáng. Thế nên việc cần thiết xem xét là có nên giao cho địa phương quyền cấp phép đầu tư như trong những trường hợp như thế hay không?

Những vấn đề thường nhật nhưng lại hàng ngày tác động đến dân như quản lý điều hành giá, chính sách tài chính tiền tệ và ngân hàng; quản lý trong các lễ hội và trò chơi games online… rõ ràng là những vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có câu trả lời từ các vị “tư lệnh” ngành vì nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng “nhiều vấn đề là bệnh kinh niên, chữa trị chưa dứt điểm”.

Từ những nhận định trên cho thấy các đại biểu Quốc hội ngày càng ý thức cao về trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước những vấn đề của dân và của đất nước./.

 

Đặng Linh

(http://vovnews.vn/)