HỘI THẢO GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

30/03/2022

Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đồng chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo Góp ý Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tham dự hội thảo có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, Nguyễn Phương Thủy; đại diện Thường trực Hội đồng, một số Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng các chuyên gia đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Trường cán bộ thanh tra; đại diện cơ quan thanh tra một số bộ ngành, địa phương…

Theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 đã được Quốc hội quyết định và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới (tháng 5/2022).

Sửa đổi, hoàn thiện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ (ngày 23/11/1945) đến nay đã gần 80 năm. Qua thời gian, tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra nước ta ngày càng phát triển và hoàn thiện theo các tư tưởng đề cao vai trò của thanh tra trong quản lý nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.

Tiếp đó, Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI (năm 2010) là cột mốc đánh dấu sự hoàn thiện về phương diện pháp lý tổ chức và hoạt động của thanh tra ở nước ta. Đến nay, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Tuy nhiên, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, …đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Thanh tra. Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng là để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra thời gian qua; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhấn mạnh Luật Thanh tra là đạo luật quan trọng không chỉ về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà còn liên quan tới nhiều cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và có đối tượng áp dụng rất rộng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các vị đại biểu tập trung trao đổi về các vấn đề: (1) về phạm vi sửa đổi; (2) về tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; (3) về tổ chức các cơ quan thanh tra chuyên ngành; (4) về hoạt động Thanh tra;….

Nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra

Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đều tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành cũng như đồng tình với việc việc tách nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra. “Khẩn trương xây dựng và ban hành một đạo luật về hoạt động kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước và coi đó là một phần thể chế rất quan trọng của thể chế về thực thi công vụ hành chính”, TS. Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc đổi mới hoạt động thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi, hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Quy định về hoạt động thanh tra trong Dự thảo luật có nhiều nội dung mới phù hợp, song có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng.

Một số ý kiến đề nghị cần quy định khung về quy trình thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra. Việc phân biệt hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, trước hết, giúp xác định thẩm quyền thanh tra giữa các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn giúp xác định được hình thức, phương thức, thời hạn và quy trình tương ứng, phù hợp với đặc thù đối tượng thanh tra của mỗi loại thanh tra; tránh được sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra. “Đề nghị, dự luật cần bóc tách rành mạch hai loại hình hoạt động này thành hai nội dung khác nhau với mục đích khác nhau, với nguyên tắc hoạt động khác nhau, với các quy định về tổ chức và hoạt động khác nhau”, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra Vũ Văn Chiến nêu đề xuất.

TS. Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Về tổ chức các cơ quan thanh tra, một số chuyên gia đề xuất dự thảo Luật nên quy định các tiêu chí thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương. Theo TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, cần tổng kết việc thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng, Đội quản lý trật tự, an toàn giao thông,… để có giải pháp pháp lý ổn định, đồng bộ với pháp luật về công vụ, xử phạt vi phạm hành chính, về tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, cân nhắc đưa Điều 14 – Tổ chức của Thanh tra Chính phủ vào Dự thảo; làm rõ quy chế pháp lý của viên chức trong hoạt động thanh tra;…

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đề phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra; nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận thanh tra,… Đồng thời, kiến nghị những nội dung lớn cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thanh tra để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Theo đó, đề xuất hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra, về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành; hoàn thiện quy định về thanh tra tỉnh, thanh tra huyện; thanh tra viên…

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao và ghi nhận ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia tham dự. “Ý kiến của các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của Luật  Thanh tra (sửa đổi ) sau khi được ban hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Khẳng định đây là đạo luật quan trọng, có đối tượng áp dụng rất rộng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, là cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu chuẩn bị thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tới đây./.

Lê Anh