TỌA ĐÀM THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH KỂ TỪ KHI LUẬT QUY HOẠCH CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH

25/03/2022

Chiều 25/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải; các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đến từ Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam,…

Nhằm góp phần cung cấp thông tin phục vụ Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, tọa đàm tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành; Những hạn chế, bất cập của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thực trạng lựa chọn, chất lượng của tư vấn trong việc lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời gian vừa qua;….

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích và cho ý kiến về mối tương quan giữa các loại quy hoạch, việc bãi bỏ các quy định sản phẩm và thay thế; việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia; sự cần thiết của việc điều chỉnh cục bộ cho các quy hoạch ngành quốc gia; kinh nghiệm quốc tế về lập quy hoạch quốc gia;…

Qua thảo luận, các chuyên gia đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch; phương pháp lập quy hoạch; tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia; công tác đấu thầu và lựa chọn tư vấn trong việc lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia;..

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Liên quan đến hệ thống văn bản văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, tinh thần của Luật Quy hoạch là tiến bộ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, cần có thời gian để kiểm chứng công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Do đó, chưa đặt vấn đề sửa đổi Luật Quy hoạch, mà phải tiếp tục triển khai, đánh giá tổng kết để có cơ sở xác định các vấn đề phải chỉnh sửa.

Theo một số chuyên gia, cần khẩn trương ban hành các văn bản mới, cụ thể hóa các nội dung của Luật Quy hoạch đồng thời tiếp tục rà soát, gỡ bỏ các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo về công tác quy hoạch;…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Trong đó, cần quy định rõ hơn nội dung của từng quy hoạch, phân định rõ phạm vi và đối tượng điểu chỉnh của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; Bổ sung một số quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp thương mại vào danh mục các quy hoạch ngành quốc gia;…

Cho rằng công tác thực thi, triển khai chưa hiệu quả, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 -2030; đánh giá, kiểm điểm thực hiện công tác quy hoạch gắn với trách nhiệm của cá nhân, cơ quan; Tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các chủ nhiệm quy hoạch và các chuyên gia lập quy hoạch; Ban hành Thông tư về Giá quy hoạch;… Một số ý kiến khác đề nghị cần thống nhất về phương pháp, cách làm; có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quá trình triển khai được thống nhất và đảm bảo chất lượng; đề xuất có đánh giá chi phí lập thẩm định hệ thống quy hoạch.

Tại tọa đàm, các trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng các chuyên gia cũng đưa ra nhiều quan điểm về phương pháp lập quy hoạch, trình tự cũng như thủ tục lập và tiến hành quy hoạch; quan điểm về việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm và thay thế bằng chiến lược, đề án, chính sách, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn;…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng Đoàn giám sát  Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Tọa đàm

Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua tọa đàm 08 nhóm vấn đề liên quan đến nội dung Giám sát đã được các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm, góc nhìn khách quan.  

Khẳng định thông tin tại Tọa đàm có giá trị thiết thực, góp phần cung cấp thêm góc nhìn đa chiều cho Đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, kết quả của Tọa đàm sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ thành báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Quốc hội phục vụ cho công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành./.

Lê Anh