TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

05/03/2022

Sáng 05/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm 

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cùng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâp pháp cho biết, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được ban hành cách đây hơn 15 năm. Việc thực hiện Pháp lệnh và các quy định khác về thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân,…

Nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết, TS.Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, dự án luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV. Tới đây, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâp pháp 

Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 49 điều, quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

Tại tọa đàm, các ý kiến đại biểu đều tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành Luật thực hiện dân chủ cơ sở là phù hợp với bối cảnh; góp phần hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu thảo luận tai tọa đàm

Đánh giá dự thảo Luật thực hiện dân chủ cơ sở được cơ quan soạn thảo xây dựng công phu, đảm bảo tính logic, có tính kế thừa và phát triển, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào: Phạm vi, nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Trách nhiệm thực hiện và quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở;…

Góp ý vào nội dung dự thảo, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bổ sung thêm giải thích từ ngữ; khẳng định rõ chủ thể thực hiện;…. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất quy định quyền sáng kiến của người dân như một quyền độc lập; lưu ý rà soát lại kỹ thuật lập pháp và thống nhất/nhất quán trong cách thức sử dụng từ ngữ tại dự thảo.

Kết luận tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Khẳng tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được tổng hợp và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan để phục vụ trực tiếp việc xem xét, cho ý kiến về dự án luật.

***Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu hình ảnh tại Tọa đàm:

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 

GS.TS Lê Minh Tâm, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội góp ý quy định về quyền của Nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để Nhân dân bàn và quyết định trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ths. Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý vào nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho ý kiến về trách nhiệm thực hiện và quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Ban Pháp chế, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị cân nhắc về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở

TS.Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ góp ý quy định về thanh tra nhân dân tại Chương 5 trong dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Khẳng tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được tổng hợp và báo cáo UBTVQH, cơ quan thẩm tra,... phục vụ trực tiếp việc xem xét, cho ý kiến về dự án Luật

Tọa đàm thu hút được sự quan tâm, góp ý của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật

Lê Anh - Nghĩa Đức