ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ HIẾN, LẤY, GHÉP MÔ, TẠNG TẠI VIỆT NAM

26/11/2021

Sáng 26/11, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế, tổ chức Hội thảo khoa học ''Đánh giá chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng tại Việt Nam''. TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; GS.BS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia; Ths.Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội đồng chủ trì hội thảo.

 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Tham dự hội thảo có: đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV; đại diện Bộ Y tế; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực hiến, lấy, ghép mô, tạng;…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội khoá XI thông qua, đã tạo hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng để xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đồng thời đem đến sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức của nhiều người trong việc đăng ký và hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh cho những người bệnh; thúc đẩy ngành ghép mô, tạng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có trình độ tương đương khu vực và thế giới trong ghép thận, tim, gan, phổi…. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nội dung của Luật cần phải nghiên cứu chỉnh sửa để kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong 15 năm thực hiện. Vì vậy, việc rà soát, nghiên cứu chính sách, pháp luật về lĩnh vực này để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thi hành luật là cần thiết.

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng nhấn mạnh, theo định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã được đưa vào Chương trình để Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do đó, hội thảo khoa học "Đánh giá chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng tại Việt Nam" có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể về một số nội dung trọng tâm như: Các vướng mắc, bất cập của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; Các nguyên tắc, tiêu chuẩn trong hiến, lấy, nhận ghép mô, tạng và hiến, lấy xác; Nguyên tắc, quy trình điều phối ghép mô, tạng quốc gia; Quyền lợi, trách nhiệm và các điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền, trách nhiệm của người hiến, người nhận; Trách nhiệm của các cơ quan y tế và các cơ quan, tổ chức khác liên quan cũng như các điều kiện đảm bảo kèm theo để các cơ quan đó thực hiện tốt trách nhiệm;....

Chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng bộc lộ một số bất cập

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, hệ thống chính sách, pháp luật về hiến, lấy về hiến, lấy ghép mô, tạng ở Việt Nam cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện như: nhiều quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ chung, chưa có các quy định cụ thể để triển khai thực hiện; một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, những quy định về truyền thông, vận động đăng ký hiến mô, tạng chưa được chú trọng, với các quy định khó triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những quy định về đăng ký hiến mô, tạng bao gồm điều kiện đăng ký và hình thức đăng ký làm hạn chế số người đăng ký hiến mô, tạng; chế độ cho người hiến, cả người hiến sống và người hiến sau khi chết não chưa đầy đủ và hợp lý; quy định về điều phối mô, tạng chưa được quy định đầy đủ, còn thiếu rất nhiều giải pháp quan trọng đảm bảo cho chính sách, pháp luật có thể thực hiện được trong thực tế;…

Phân tích về một số bất cập của Luật Hiến, lấy, ghép mô, tạng, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, Luật hiện hành chưa có quy định về Hội đồng xác định chết não mà chỉ có quy định về chuyên gia xác định chết não.

Theo Ths.Trần Thị Trang, chuyên gia xác định chết não là giám định pháp y không phù hợp với các tiêu chuẩn xác định chết não và thực tiễn gây khó khăn cho các bệnh viện. Ngoài ra, tiêu chuẩn cận lâm sàng, số lần xác định chết não bắt buộc 3 lần, thời gian xác định chế não tối thiểu 12h còn bất cập.

Ths.Trần Thị Trang cũng cho rằng, Luật hiện hành chưa có quy định về độ tuổi người hiến chết não dưới 18 tuổi; độ tuổi người hiến sống còn thấp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến sống và tiềm ảnh nguy cơ mua bán mô, tạng; Chưa có quy định về các quyền lợi liên quan đến chi phí hồi sức tích cực, đánh giá chức năng tạng hiến; …

Ths.Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế 

Từ thực tiễn hoạt động, Ông Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, mặc dù có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của xã hội, nhưng khi áp dụng vào trong việc chẩn đoán chết não, hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người, Luật cũng bộc lộ một số bất cập, khó khăn khi áp dụng vào trong thực tế, nhất là các hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng.

Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Luật hiện hành quy định chỉ những người trên 18 tuổi chết não được hiến tạng. Một số trường hợp trẻ hơn 18 tuổi không may bị chết não có thể hiến tạng nhưng không thể thực hiện vì quy định này. Ngoài ra, còn có bất cấp trong quy định về chẩn đoán chết não, quy định về điều kiện các cơ sở y tế thực hiện ghép tạng;…

Bên cạnh đó, một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng, phạm vi điều chỉnh của pháp luật trên lĩnh vực này còn chưa bao quát hết những đối tượng có liên quan đến mô, bộ phận cơ thể người như máu, tế bào gốc, thậm chí liên quan đến gen người; Pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa quy định một cách cụ thể, chặt chẽ việc thực hiện quyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác trong một số lĩnh vực như phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy; Trình tự, thủ tục hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có những quy định chưa phù hợp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện (chẳng hạn quy định về thủ tục xác định chết não);…

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng ở Việt Nam

Trên cơ sở phân tích những điểm hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng, các đại biểu đã tập trung kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này.

GS.BS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, kiến nghị, về công tác truyền thông, vận động, cần mở rộng đối tượng và hình thức truyền thông.

Về chết não, Khoản 2, điều 27, danh sách chuyên gia xác định chết não không cần thiết phải có chuyên gia thuộc lĩnh vực “Giám định pháp y”; Khoản 2, điều 28 quy định về tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não nên chỉnh sửa thời gian ít nhất là 06 giờ; Bổ sung người dưới 18 cũng có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, hiến xác nếu được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ;…

Bên cạnh đó, GS.BS Trịnh Hồng Sơn cũng đề xuất, thành lập các hội đồng: Hội dồng chẩn đoán chết não di động, Hội  đồng lấy tạng di động với sự tham gia của các đơn vị ghép tạng, Trung tâm Điều phối ghép tạng, các bện viện trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cần rà soát, hệ thống hóa, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong hệ thống các văn bản quy định về chính sách, pháp luật hiến, lấy, ghép mô, tạng hiện hành. Trong đó, cần quan tâm sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc và quy định về đăng ký hiến mô, tạng (bổ sung quy định về nguyên tắc hiến tạng; điều kiện độ tuổi của người đăng ký hiến mộ, tạng của người hiến; …). Đồng thời, cần bổ sung thêm các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng; sửa đổi quy định về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lấy ghép mô, tạng;…

GS.BS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, TS. BS. Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng, về mặt thuật ngữ cần rõ ràng, cụ thể và thống nhất giữa các văn bản.

Về chế độ, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế, TS.BS Đặng Hồng Nam kiến nghị, đối với người đã hiến tạng nên xem xét quy định được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng (để tránh việc hiểu quy định hiện nay chỉ biết là được cấp nhưng không rõ được cấp đến bao giờ?); Đối với người hiến bộ phận cơ thể người mà đã có thẻ bảo hiểm y tế thì cần xem xét quy định được mức hưởng chế độ bảo hiểm y tế ở mức cao nhất khi khám bệnh, chữa bệnh; Xem xét mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với người hiến mô;…Ngoài ra, cần làm rõ thời điểm ngay sau khi hiến đối với trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến.

Phát biểu tại Hội thảo, Ths.Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, cần tập trung sửa đổi đối với 3 nhóm chính sách: (1) Độ tuổi người hiến mô, bộ phận cơ thể người; (2) Quyền lợi cho người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết; (3) Hội đồng xác định chết não. Ths.Trần Thị Trang nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng chính sách nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta, từ đó giúp cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân mắc các bẹnh về suy mô tạng. Đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người hiến, người ghép mô, bộ phận cơ thể người và tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề nghị, nên mở rộng độ tuổi đối với người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể chết não và thắt chặt hơn nữa quy định về hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể khi còn sống; Quy định rõ nguồn hiến không cùng huyết thống đồng thời có chính sách hợp lý đối với đối tượng này; Quy định cụ thể và chặt chẽ về điều kiện hiến mô, tạng vì mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy; Bổ sung quy định xác định như thế nào là "chết tim" trong luật; Sửa đổi quy định về thời gian chết não đảm bảo tính phù hợp; Bổ sung thêm các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng; Sửa đổi quy định về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lấy, ghép mô, tạng; Bổ sung quy định về những trường hợp loại trừ;…

Kết luận Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Khẳng định, Hội thảo khoa học có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, các kiến nghị cụ thể tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, là thông tin, luận cứ khoa học hữu ích đối với việc tham mưu phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc xem xét cho ý kiến, thông qua dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) trong thời gian tới./.

Lê Anh - Minh Thành