PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG VIỆC NĂM 2023

01/02/2023

Chiều 01/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về kế hoạch công tác năm 2023 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CHÚ TRỌNG LẤY Ý KIẾN RỘNG RÃI CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

DẤU ẤN ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH TRONG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần và các cán bộ Vụ Tài chính – Ngân sách, Văn phòng Quốc hội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo kế hoạch công tác của Ủy ban trong năm 2023 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; tham gia, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phối hợp với Ủy ban Kinh tế thẩm tra, tiếp thu, giải trình các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách của Luật Đất đai (sửa đổi).

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tổ chức các cuộc khảo sát, làm việc với các cơ quan liên tổ chức các hội thảo, tọa đàm để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số bất cập, quan, tồn tại gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân tại các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tham mưu, kiến nghị điều chỉnh các chính sách liên quan trong lĩnh vực thuế, ngân sách nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Chủ trì thẩm tra Tờ trình của Chính phủ Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội thông Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Chủ trì thẩm tra báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm theo Nghị quyết số 22/2021/QH15 và báo cáo lộ trình hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo tại buổi làm việc

Liên quan đến ngân sách nhà nước, trong năm 2023, dự kiến Ủy ban sẽ tổ chức các phiên họp toàn thể và của Thường trực Ủy ban để thẩm tra, cho ý kiến về các nội dung như Quyết toán NSNN năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2022 và tình hình thực hiện dự toán NSNN những tháng đầu năm 2023; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phương án phân, sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW năm 2022; Tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024; Báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước; Báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ cho cả thời kỳ ổn định ngân sách đối với Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách)....

Về công tác giám sát, bên cạnh hoạt động giám sát thường xuyên, khảo sát về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện dự toán NSNN, thực hiện Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng sẽ giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, phát triển của một số tỉnh, thành phố; việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tình hình quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia; sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia…Giám sát về tình hình ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các luật được Quốc hội thông qua trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế; Luật quản lý và sử dụng tài sản công…Cùng với đó, Ủy ban sẽ tiếp tục chủ trì tham mưu, phục vụ chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng cho biết, trong năm 2023, Ủy ban sẽ chú trọng hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực có liên quan đến các luật do Ủy ban phụ trách; tăng cường giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị của các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua; đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Liên quan đến một số nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến cụ thể đối với 02 dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Ủy ban đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức làm việc theo chuyên đề về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau; tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục làm việc với Ban soạn thảo chi tiết về nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo báo cáo và dự thảo luật để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Trên cơ sở các nội dung công việc dự kiến từ nay đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã chủ động dự kiến phân công cho các Tiểu ban chủ trì, phối hợp từng nội dung và xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, có mốc thời gian cụ thể đối với từng nội dung công việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc làm việc, một số ý kiến bày tỏ lo ngại khi tiến độ trình của Chính phủ và các cơ quan hữu quan các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách còn chậm trễ. Sự chủ động của Ủy ban và các đại biểu bị ảnh hưởng do hạn chế trong tiếp cận thông tin bởi thông tin chủ yếu đến từ các báo cáo và hoạt động giám sát, trong khi giám sát thường xuyên chưa được thực sự chú trọng. Do đó, các đại biểu đề nghị cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát thường xuyên của Ủy ban tại các địa phương về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, xây dựng dự toán thu ngân sách năm sau, nhằm bảo đảm bám sát khả năng thu thực tế của địa phương. Trong giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chú trọng tiến hành đối với các văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện tự chủ tài chính, quản lý tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công.

Các đại biểu cũng cho biết đến nay Chính phủ chưa trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi các luật về thuế là quá chậm. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần tiếp tục phối hợp, đôn đốc các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Đồng thời cần có kế hoạch chi tiết nhiệm vụ từ nay đến kì họp để cụ thể hóa lộ trình triển khai các công việc. Dự báo tình hình năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến kết quả nhiệm vụ ngân sách, Ủy ban cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tổ chức khảo sát nắm diễn biến tình hình thị trường tiền tệ, tài chính để có tham mưu, đề xuất kịp thời.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các kết quả hoạt động của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đạt được trong thời gian qua dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều kết quả tích cực và đổi mới, chất lượng các báo cáo nhất là báo cáo giám sát của Ủy ban bảo đảm cụ thể, thực tiễn và tính phản biện cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, thành công của giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” có đóng góp lớn của Ủy ban Tài chính – Ngân sách; cùng với đó trong quyết toán ngân sách nhà nước đi vào chi tiết, nêu rõ trách nhiệm…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần nâng cao tính chủ động phản biện ngay từ đầu của việc lập dự toán, bảo đảm cho việc thẩm tra dự toán cũng như quyết toán đi sâu vào chuyên môn. Điều này đòi hỏi Ủy ban cần chủ động nắm thông tin trong công tác lập dự toán từ phía Chính phủ, Bộ, ban, ngành và các địa phương; đồng thời phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực phụ trách; yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tham gia cả ở quyết toán và dự toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đã đặt nhiệm vụ đối với Ủy ban trong việc giải bài toán về rút ngắn thời gian quyết toán, cần tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về vấn đề này để có giải pháp cụ thể, hướng đến quyết toán ngân sách nhà nước không còn mang tính hình thức mà cần gần hơn, sát hơn với thực tiễn cuộc sống. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là một trong những mục tiêu cần kiên quyết thực hiện, tiếp tục cải tiến, thúc đẩy các cơ quan tìm ra nguyên nhân tại sao không quyết toán được, dứt khoát rút ngắn thời gian quyết toán, thay đổi tư duy trong quyết toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Ủy ban, bảo đảm kỉ luật, kỷ cương, trách nhiệm tham gia các phiên họp của Ủy ban, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trong xem xét, quyết định các nội dung. Mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phát huy hơn nữa việc chủ động nắm bắt tình hình những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn liên quan đến lĩnh vực phụ trách để kịp thời có tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Quốc hội, Quốc hội, tăng cường hoạt động giám sát của Ủy ban; chú trọng giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Để chuẩn bị của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban tập trung cho công tác lập pháp trong đó có dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi), phối hợp với Ủy ban Kinh tế trong sửa đổi các nội dung về tài chính đất đai trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về vấn đề tài chính năng lượng; chủ động rà soát các nội dung theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động đôn đốc các cơ quan hữu quan bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Ủy ban và cho biết sẽ cùng làm việc với các cơ quan hữu quan để các bên để cùng tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả công việc. Nhân dịp năm mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, mong muốn Ủy ban tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu đắc lực của Quốc hội.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc: 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trao đổi một số nội dung công tác của Ủy ban

 

Các đại biểu dự họp

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Tuấn Anh

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác