PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CHÚ TRỌNG LẤY Ý KIẾN RỘNG RÃI CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

30/01/2023

Phát biểu tại cuộc làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sáng ngày 30/01, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Ủy ban cần tập trung đóng góp, chú trọng lấy ý kiến của các nhà khoa học cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện tốt giám sát về năng lượng và tham gia vào xây dựng Quốc hội điện tử.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ GÓC NHÌN TÀI CHÍNH, KINH TẾ-XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Sáng ngày 30/01, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải có cuộc làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhân dịp đầu Xuân Quý Mão năm 2023. Tham dự cuộc làm việc còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng các Phó Chủ nhiệm và các thành viên của Ủy ban.

Đề cập một số nội dung chính trong triển khai công tác đầu năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tập trung vào một số nhiệm vụ chính như:  Tiếp thu, chỉnh lý 02 Dự án Luật là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật vào phiên họp tháng 2/2023; công tác chuẩn bị phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” và một số công việc trọng tâm khác.


Toàn cảnh cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Ban soạn thảo- Bộ Công Thương, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế để làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Sau khi thống nhất với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo Thường vụ Quốc hội 09 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật, trong đó có 02 vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Ngay sau kỳ họp, Thường trực Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông - cơ quan soạn thảo Dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo Thường vụ Quốc hội 05 vấn lớn trong việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; quan điểm các cơ quan trong tiếp thu là thống nhất.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bám sát nội dung của Kế hoạch 355-KH… của Đoàn giám sát để tổ chức, triển khai các công việc. Cụ thể là đã gửi công văn đề nghị các bộ ngành, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh thành phố, cơ quan tổ chức có liên quan báo cáo theo Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, dự kiến lấy lại vào 28/2/2023.


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo“Đối thoại Quốc gia: Chuyển dịch năng lượng bền vững, Quản trị, tài chính và công nghệ”; phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp Hội thảo về “Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 - Giải pháp hoàn thiện” để có thêm thông tin, kinh nghiệm quốc tế, cơ sở lý luận và thực tiễn cho nội dung giám sát. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đề nghị hỗ trợ, cung cấp một số thông tin hiện có phục vụ Đoàn giám sát.

Tới đây, Thường trực Ủy ban tiếp tục nghiên cứu tài liệu liên quan, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội để phục vụ phiên họp lần thứ 2 của Đoàn giám sát, dự kiến vào giữa tháng 3/2023 để cho ý kiến về các nội dung tập trung giám sát; chỉ đạo Tổ giúp việc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị tổ chức các Đoàn giám sát, dự kiến sẽ giám sát vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2023.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề cập về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với 02 Dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5: Năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được phân công thẩm tra dự án Luật Viễn thông, dự án Luật Tài nguyên nước trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6. Tháng 12/2022, Thường trực Ủy ban đã làm việc với các Ban soạn thảo; xây dựng kế hoạch thẩm tra 02 dự án Luật.

Đối với dự án Luật Tài nguyên nước đã trình Chính phủ xem xét, hiện Ban soạn thảo đang hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội. Ngay sau tết âm lịch, Tiểu ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tổ chức một số Hội thảo; chuẩn bị nội dung thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp tháng 3/2023 theo đúng tiến độ.

Đối với dự án Luật Viễn Thông, cơ quan soạn thảo đang hoàn thiện Hồ sơ trình Chính phủ. Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tổ chức một số Hội thảo; chuẩn bị nội dung thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp tháng 3/2023.

Cần làm rõ vấn đề tự chủ tài chính, hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong đó có vai trò của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong năm qua đã có nhiều nỗ lực trên nhiều hoạt động.

Đề cập về nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần nâng cao tính phản biện trong thẩm tra, giải trình các dự án Luật, công tác giảm sát và các hoạt động khác.

Để công tác lấy ý kiến, thẩm định, hoàn thiện dự án Luật cũng như những công việc chung được hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải chủ động, không bị động, phát huy trí tuệ của tập thể một cách khoa học; phải vạch ra lộ trình, các công việc phải có mốc thời gian cụ thể để thực hiện. Trước tiên, tập trung vào đóng góp cho Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện tốt giám sát về năng lượng và xây dựng Quốc hội điện tử.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Hiện nay, Quốc hội đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Liên quan đến dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, những khía cạnh khoa học công nghệ, tài chính liên quan đến tài nguyên đất, phương pháp định giá đất và nhiều hoạt động liên quan đến đất đai có ứng dụng khoa học công nghệ cần được Ủy ban tham gia tích cực cũng như chú trọng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học. Để triển khai nhiệm vụ này, Ủy ban cần thành lập một nhóm nghiên cứu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và có ý kiến chính thức gửi về Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ngoài ra, với Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) liên quan đến khoa học công nghệ như thế nào, Ủy ban cũng nên tham gia, có những đóng góp trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tăng cường tham gia vào xây dựng Quốc hội điện tử, chú trọng cơ sở dữ liệu và kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của một số nước vào việc xây dựng Quốc hội điện tử để triển khai có hiệu quả.

Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới, có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, Ủy ban cần lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học để sao cho các dự án Luật được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Đối với vấn đề khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải phải đi sâu vào tính phản biện trong công tác nghiên khoa học, thẩm tra và giám sát các chuyên đề; gắn khoa học công nghệ với vấn đề kinh tế, tài chính. Bên cạnh đó, Ủy ban cần làm rõ vấn đề về tài chính, đầu tư cho khoa học và công nghệ. Vấn đề tài chính, tự chủ tài chính cho khoa học công nghệ như thế nào? Tổng thể đầu tư cho khoa học công nghệ quốc gia, giá trị thực tiễn, hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện ra sao?

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thể thẩm tra, có ý kiến về các kế hoạch, chương trình đầu tư công, chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ.

Để hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ngày càng hiệu quả và đóng góp thiết thực vào các hoạt động chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban cần tăng cường phát huy trí tuệ, chất xám của đội ngũ tri thức, nhà khoa học tham gia vào công tác xây dựng luật pháp, đóng góp ý kiến và phản biện trên tinh thần xây dựng vào các dự án Luật. Ngoài ra, cần tăng cường sự phối với với các Ủy ban, Bộ ngành trong nghiên cứu, xây dựng luật.

Về vấn đề giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành tập huấn để công tác giám sát, chuẩn bị báo cáo để hoạt động giám sát được triển khai sớm. Nếu địa phương nào chuẩn bị báo cáo không đạt tiêu chuẩn thì Ủy ban có thể yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu thêm để hoàn thiện.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cảm ơn sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và cho biết, Ủy ban sẽ tiếp thu, cụ thể hóa sự chỉ đạo thông qua hoàn thiện các dự thảo báo cáo; chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ hoạt động của Ủy ban trong năm 2023./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:



Toàn cảnh cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết về tiến độ hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và công tác chuẩn bị một số luật khác để trình Quốc hội xem xét.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đề cập về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chụp ảnh lưu niệm với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Bích Lan - Nghĩa Đức