Với trách nhiệm là cơ quan tham vấn và thẩm tra về lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đồng hành với Chính phủ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội các vấn đề về cơ chế, chính sách một cách linh hoạt, hiệu quả. Từ đó, đóng góp vào công tác điều hành nền tài chính quốc gia, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản. Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, để nhìn lại hoạt động công tác của Ủy ban trong năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội
Phóng viên: Trước hết, xin cảm ơn ông dành thời gian cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong ngày khai xuân Tết nguyên đán Tân Sửu. Thưa ông, Năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 hoành hành, tác động tiêu cực tới mọi mặt của nền kinh tế. Xin ông cho biết tình hình tài chính ngân sách quốc gia có những ảnh hưởng như thế nào? Ông đánh giá như thế nào đối với kết quả thực hiện kế hoạch tài chính, dự toán ngân sách quốc gia năm 2020?
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: Trước hết chúng ta thấy rằng nhiệm vụ ngân sách, tài chính năm 2020 của chúng ta triển khai trong một bối cảnh là đại dịch diễn ra trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các Quốc gia, và nước ta cũng trong các nước bị chịu ảnh hưởng, và tác động đến mọi mặt kinh tế xã hội, đời sống của người dân, doanh nghiệp, của toàn xã hội và cạnh tranh thương mại giữa các nước cũng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh những yếu tố toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, tất cả những yếu tố tổng hợp đó thì ảnh hưởng đến nhiều kinh tế bị tác động, nhiều địa phương cũng bị tác động, là ngành du lịch, dịch vụ, hàng không, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề thu ngân sách, bởi tác động đến thu nhập của doanh nghiệp và người dân.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị thì Chính phủ cũng như Quốc hội, đã rất nhanh chóng, khẩn trương có những giải pháp để đối phó tình hình và đặc biệt là những giải pháp về tài chính, tiền tệ được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh những giải pháp phòng chống dịch về mặt y tế, bố trí tài chính để chúng ta phòng chống dịch, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách, Quốc hội đã có nhiều nghị quyết, các phiên họp chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến để rất nhanh về tình thế, giải pháp, tài chính ngân sách, với những giải pháp, đồng bộ quyết liệt như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng kết quả tăng trưởng của Việt Nam thì hiện nay chúng ta tăng trưởng dương, 2,91%, và kết quả về kinh tế sẽ tác động đến vấn đề tài chính, ngân sách của chúng ta, chúng ta đã ước cân đối ngân sách năm nay tương đối khá, đạt khoảng trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% so với dự toán. So với lúc khó khăn nhất thì chúng ta đề ra thì mức hụt thu ngân sách đã giảm đi rất nhiều. Và theo báo cáo số liệu của Bộ tài chính là chúng ta đã tăng được 184.000 tỷ so với con số chúng ta dự kiến là chúng ta bị hụt thu ở thời điểm chúng ta tính toán bị tác động mạnh nhất. Và trong đó, nếu tổng hợp lại thì chúng ta chỉ giảm khoảng 31,9.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương chỉ giảm khoảng 98.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương lại vượt khoảng 56,8.000 tỷ đồng. Và như vậy khi hai yếu tố cộng lại thì làm cho cân đối chung chỉ mất khoảng trên 30.000 tỷ đồng. Đó là một sự cố gắng hết sức lớn, để về mặt cân đối ngân sách, kết quả của quá trình tổ chức thu, sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện như hiện nay còn nhiều khó khăn.
Chúng ta cũng thấy rằng trong điều kiện khó khăn đó thì nợ đọng thuế nhờ các biện pháp tích cực thì giảm được nợ đọng thuế từ trước đây là 5,8% hiện nay chỉ còn 4,1% thôi. Như vậy chúng ta đã cố gắng những nguồn thu mà còn nợ đọng để bù đắp vào khoản hụt thu.
Chi ngân sách thì chúng ta có nhiều giải pháp, mà để như yêu cầu tiết kiệm chi ngay 70% kinh phí hội nghị, công tác phí, rồi các hoạt động chi thường xuyên, có thể tiết kiệm được. Và tất cả các đơn vị đều tiết kiệm chi, thêm 10% nữa để chúng ta để chúng ta còn nguồn lực tập trung xử lý, chúng ta chưa thực hiện điều chỉnh lương cơ sở, rồi yêu cầu các địa phương chủ động, điều hành, bố trí nguồn ngân sách của mình để xử lý các tình huống có thể phát sinh ra. Đó là chúng ta thấy rằng trong chỉ đạo đã rất quyết liệt.
Trong lúc khó khăn nhất thì chúng ta đã chi được 18.000 tỷ đồng, trong gói hỗ trợ gần 40.000 tỷ đồng, đã được xử lý ngay để phòng, chống dịch, hỗ trợ cho các đối tượng cần được hỗ trợ theo Nghị quyết 37/NQ-CP và Nghị quyết 42/NQ-CP của chính phủ.
Một tình hình đặc biệt của năm nay là thiên tai, bão lũ rất nhiều. Chúng ta đã chi trên 12,4.000 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả của thiên tai và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả của lũ lụt. Đặc biệt dữ trữ Quốc gia chúng ta xuất 37.000 tấn gạo, để hỗ trợ cho bà con, vùng khó khăn.
Về bản thân các địa phương, cũng sử dụng khoảng 8,2.000 tỷ đồng để chủ động, không chờ Trung ương mà chủ động trong sử dụng dự phòng để được bố trí để chủ động phòng chống thiên tai và chống dịch.
Một điểm sáng của điều hành ngân sách năm nay, đó là giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ vào sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ và triển khai của các bộ ngành địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của chúng ta từ đầu năm đến cuối năm đạt khoảng 92-93%. Đây là một điểm sáng mà chúng tôi đánh giá rất cao trong bối cảnh chi rất eo hẹp, đầu tư công sẽ là một nguồn lực để chúng ta đẩy nhanh tăng trưởng. Vấn đề này thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đánh giá cao vì trong những năm vừa qua, đôi khi chúng ta hiểu rằng ách tắc trong đầu tư công là do luật, luật đầu tư công, do những thủ tục. Nhưng thưc tế không hẳn là như vậy, khi chúng ta đã sửa lại luật đầu tư công chúng ta chỉ đạo quyết liệt, thì tỷ lệ này lên đến 92, 93%. Đó là một việc mà chúng ta thấy rằng nếu chúng ta chỉ đạo quyết liệt thì sẽ có kết quả tốt trong đầu tư công. Điều này có tác động tăng trưởng dây chuyền rất lớn.
Tóm lại, năm 2020, chúng ta nhìn thấy một bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid-19, thì chúng ta đã tổ chức, bố trí lại, đã có dư địa về tài chính để chúng ta xử lý các vấn đề phát sinh. Chúng ta chủ động và điều hành ngân sách, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Trung ương và địa phương và góp phần thúc đẩy, tăng trưởng. Đó là một kết quả, rất phấn khởi khi kết thúc năm 2020, là năm cuối của thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, cũng như kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm. Chúng tôi đánh giá rất cao kết quả này.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa ông, công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực tài chính ngân sách đã được Uỷ ban TCNS đổi mới, thích ứng như thế nào để phù hợp với tình hình mới? Những quyết định lớn về tài chính ngân sách của Quốc hội nào mà ông tâm đắc nhất trong năm 2020?
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: Chúng tôi nghĩ rằng công tác giám sát năm 2020, trong điều kiện hiện nay giãn cách xã hội, hạn chế đi lại thì Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có những thay đổi về nội dung, hình thức và phương pháp. Quốc hội gần đây đã đẩy mạnh mạnh mẽ việc áp dụng CNTT, và trong những hoạt động của Quốc hội, công tác giám sát thì chúng tôi cũng phải đẩy mạnh kịp thời theo hướng đó, trong đấy yêu cầu các địa phương thay đổi hình thức, đưa ra các bảng câu hỏi khảo sát, đánh giá và tự đánh giá, báo cáo.
Bên cạnh đó, thông qua số liệu, thì chúng tôi có thể đánh giá chung được, những vấn đề chính, vấn đề quan tâm để giám sát. Mặt khác thì vào những thời điểm thích hợp, thì các đoàn giám sát của chúng tôi phải tranh thủ làm việc với các địa phương, tổ chức làm sao giám sát gọn, nhẹ đi tập trung vào mục tiêu chính để có kết quả đáp ứng được các báo cáo giám sát. Tại các Kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng tôi cùng các ủy ban khác thực hiện các báo cáo giám sát một cách khách quan, thẩm định một cách tỷ mỉ, có chính kiến rõ rằng, nêu ra được những giải pháp phục vụ các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát, đáp ứng yêu, quy định về giám sát.
Trong năm 2020, những vấn đề chúng tôi thấy rằng tương đối thách thức, đó là bối cảnh tình hình dịch bệnh, chúng tôi vẫn phải tập trung xử lý giải quyết những vấn đề theo nhiệm vụ hàng năm, nhưng quan trọng nhất là tham mưu nhanh các vấn đề mà người dân, cũng như Quốc hội yêu cầu, về các vấn đề cân đối các nguồn lực, nhất là vào thời điểm tháng 3, tháng 4, khi dịch bệnh diễn ra và chúng ta chưa lường trước mọi việc được. Lúc đó, quan điểm đưa ra phải rất rõ ràng là nguồn lực ở đâu để xử lý các vấn đề. Chúng tôi cũng làm việc với Bộ tài chính các ngành để đưa ra các phương án khả thi, và một trong những vấn đề chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều, đưa tới thảo luận là các giải pháp phạm vi của chính sách đó tác động như thế nào? Lúc đầu chỉ nghĩ rằng phạm vi có thể trong một chừng mực vừa phải, nhưng mà với tác động rất lớn của dịch bệnh, do đó đã cho rằng quy mô của gói hỗ trợ phải tăng lên và mức hỗ trợ sẽ phải điều chỉnh lại. Cho nên là sau khi thảo luận lại thì Quốc hội nhất trí rất cao, trong tiêu chuẩn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho ngươi dân để đáp ứng được các yêu cầu hỗ trợ và phục hồi sản xuất.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ những định hướng hoạt động của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách trong năm 2021?
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: Năm 2021 là một năm hết sức đặc biệt, chúng ta tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc, chúng ta cũng tiến hành bầu cử Quốc hội khóa mới, công việc của Ủy ban, về mặt chuyên môn,nghiệp vụ thì vẫn phải tiến hành liên tục theo dòng chảy của công tác chuyên môn. Cho nên, chúng tôi thấy phải tập trung vào mặt đầu tiên là triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và thể hiện trong những quan điểm lớn, về chính sách tài chính, liên quan đến chủ trương tài chính ngân sách sao cho đồng bộ. Các chủ trưởng chính sách đó phải được thể hiện được trong kế hoạch tài chính 5 năm, và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm sắp tới, sẽ được Quốc hội khóa mới quyết định và thông qua tại kỳ họp đầu tiên, một vấn đề mà không chờ phải ổn định nhân sự, ổn định tổ chức mà công việc đó chúng tôi phải chuẩn bị từ bây giờ.
Bên cạnh những công việc khác như là chuẩn bị quyết toán mà chúng tôi vẫn phải tiếp tục tiến hành. Các công việc triển khai kế hoạch tài chính 5 năm, gắn với một số nội dung rất lớn đó là chúng ta phải đảm bảo vốn cho những công trình trọng điểm Quốc gia.
Cái thứ hai là cho 2 chương trình lớn của Quốc gia, đó là chương trình về dân tộc miền núi và giảm nghèo bền vững, bên cạnh đảm bảo chi thường xuyên, đó là một vấn đề hết sức quan trọng, tạo nên sự đột phá trong việc phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.
Về điều hành ngân sách thì vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả và phải được phối hợp nhuần nhuyễn với chính sách tiền tệ, cũng như các chính sách xã hội khác, chính sách kinh tế khác, để làm sao chúng ta sử dụng ngân sách một cách có hiệu quả, và thích ứng với tình hình mới, trong điều kiện hiện nay, và một vấn đề hết sức quan trọng về tiếp tục quản lý nợ công, bội chi ngân sách để đảm bảo nền tài chính Quốc gia an toàn, bền vững.
Một trong những vấn đề đối với Ủy ban Tài Chính - ngân sách chúng tôi cần phải quan tâm từ giờ là làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho Ủy ban Tài chính – Ngân sách của khóa mới, gồm các đại biểu chuyên trách, và các đại biểu không chuyên trách ở các địa phương, để làm sao góp phần nâng cao năng lực của các đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để phục vụ tốt cho nhiệm vụ là một cơ quan tham mưu của Quốc hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của Ông. Nhân dịp đầu năm mới, xin chúc ông sức khỏe, thành công, hạnh phúc!
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, năm 2020 đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và ảnh hưởng gián tiếp đến tình hình thu ngân sách, nhưng công tác điều hành ngân sách đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Trung ương và địa phương, góp phần thúc đẩy, tăng trưởng.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội
|