PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT NGUYỄN PHƯƠNG THỦY: ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHỦ TRÌ TIẾN HÀNH GIÁM SÁT

27/09/2022

Phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đại diện Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Thủy cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Sáng ngày 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, sau thành công của Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 04/11/2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương, đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận  cấp tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, Thanh tra cấp tỉnh,…


Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh: Năm 2022, Ủy ban Pháp luật được giao chủ trì tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” nhằm xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2030.

Trên cơ sở Nghị quyết số 288/NQ-UBTVQH15 ngày 06/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ động tham mưu, xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Đoàn giám sát ban hành kịp thời, xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và UBND, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 báo cáo. Đồng thời, trên cơ sở xem xét báo cáo của các Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, với tinh thần tích cực, khẩn trương, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tham mưu giúp Đoàn giám sát tổ chức 03 đoàn công tác để khảo sát, làm việc trực tiếp tại 06 tỉnh, trực tiếp làm việc và gửi văn bản xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, luận cứ phục vụ việc xây dựng Báo cáo kết quả giám sát[1] và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Sau đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục giúp Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, kết quả giám sát đối với chuyên đề này đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đánh giá, chỉ ra những kết quả tích cực đạt được cũng như những mặt hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; xác định rõ nguyên nhân của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, tổng kết 06 bài học kinh nghiệm rất quan trọng, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục các bất cập, tồn tại trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 -2021; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật, xác định các yêu cầu, quan điểm cần quán triệt và nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai nhằm chuẩn bị sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn tiếp theo (2022 – 2030). Kết quả giám sát chuyên đề này đã cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đoan vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy.

Bên cạnh nội dung giám sát chuyên đề được giao chủ trì, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phân công thành viên tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, bao gồm: Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”; Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Đề cập về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và Chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, tiếp tục tham gia góp ý hoàn thiện các Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 về những nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật được phân công tham gia 02 Đoàn giám sát của Quốc hội, 02 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 triển khai các hoạt động giám sát theo phân công của các Đoàn giám sát. Tiếp tục triển khai hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách theo quy định tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách, bảo đảm các đơn thư gửi đến Ủy ban được nghiên cứu, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, không có đơn thư tồn đọng.

Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án…

Xây dựng Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2023, trong đó dự kiến tổ chức 01 chuyên đề giám sát nhằm phục vụ trực tiếp cho việc thẩm tra, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và tổ chức 1 đến 2 phiên giải trình về một số nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại trong hoạt động giám sát thời gian qua, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần chú trọng một số nội dung sau:

Tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022.

Quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, thực hiện các giải pháp đổi mới được đề xuất tại Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát đã được Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022.

Đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát (đối với hoạt động giám sát chuyên đề là trách nhiệm của cơ quan thường trực đoàn giám sát) trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát. Kết luận, kiến nghị giám sát phải tập trung vào các nội dung trọng tâm, sâu sắc, có tính thuyết phục và thực tiễn; chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với với các vấn đề tồn tại, hạn chế; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể để có cơ sở kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử tri, Nhân dân quan tâm; đồng thời, cần xác định rõ trọng tâm trong từng nội dung giám sát. Việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn giám sát là đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần tính đến khả năng, quỹ thời gian thực hiện thực tế, cân đối, hài hòa với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Căn cứ chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xây dựng chương trình giám sát của mình bảo đảm tính khả thi. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện giám sát thường xuyên theo thẩm quyền, lĩnh vực được giao để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả, tránh gấy phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát; công chức giúp việc các đoàn công tác, tổ khảo sát nên huy động chủ yếu từ đơn vị giúp việc của cơ quan thường trực Đoàn giám sát và các đơn vị giúp việc chung của Văn phòng Quốc hội; việc sử dụng công chức của các đơn vị giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có thành viên tham gia Đoàn giám sát cần cân nhắc để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát của các Đoàn giám sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả; công chức giúp việc các đoàn công tác, tổ khảo sát nên sử dụng huy động chủ yếu từ đơn vị giúp việc của cơ quan thường trực Đoàn giám sát và các đơn vị giúp việc chung của Văn phòng Quốc hội; bố trí thời gian làm việc hợp lý để hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, địa phương chịu sự giám sát.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát công 2 tác tổ chức thi hành pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức ở phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phù hợp với lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách./.

Bích Lan

Các bài viết khác