TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

26/09/2022

Sáng ngày 27/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trả lời phỏng vấn trước thềm Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: Năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ tập trung vào các vấn đề cụ thể liên quan đến quốc kế dân sinh.

Giám sát trọng tâm, trọng điểm, gắn với trách nhiệm giải trình

Theo dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương…

Đoàn Giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" làm việc với các bộ, ngành, địa phương. 

Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 6/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 4/8/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình, Hội nghị sẽ đánh giá khái quát tình hình triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai các nội dung thuộc Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Trong đó, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến về: Các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trả lời phỏng vấn trước thềm Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: Năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ tập trung vào các vấn đề cụ thể liên quan đến quốc kế dân sinh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, xin ông cho biết những đổi mới nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Cùng với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao của Quốc hội góp phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; khắc phục các hạn chế tồn tại trong khâu tổ chức thực hiện. Năm 2022, quán triệt tinh thần “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” được xác định trong

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào ba nhiệm vụ quan trọng:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó đã xây dựng ban hành 1 Đề án, 2 Nghị quyết, 1 Kết luận, 12 Thông báo kết luận và nhiều văn bản quan trọng khác về giám sát góp phần làm cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan dân cử được bài bản, chặt chẽ hơn.

Hai là, đổi mới về nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nóng được cử tri và Nhân dân quan tâm như: giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, hay việc tiếp công dân giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, xem xét công tác dân nguyện hàng tháng, nhất là giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Qua đó bước đầu làm chuyển biến về nhận thức và hành động về lĩnh vực được giám sát, đáp ứng mong muốn của cử tri và Nhân dân.

Ba là, đổi mới công tác tổ chức thực hiện hoạt động giám sát theo hướng ngày càng thiết thực hiệu quả hơn, như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị các phiên chất vấn; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; lựa chọn cơ quan, địa phương sau khi xem xét báo cáo của các cơ quan; thành lập Tổ công tác để làm việc với các cơ quan địa phương trước khi Đoàn giám sát làm việc...

Phóng viên: Ngày 27/9 diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, vậy xin ông cho biết những trọng tâm của hoạt động giám sát trong năm 2023 là gì?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã kế thừa, đặc biệt có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 nhằm tổng kết đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội trong năm 2022. Trên cơ sở đó, Hội nghị cũng chỉ đạo những trọng tâm, đặc biệt là những nhiệm vụ của năm 2023 trong hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội, làm căn cứ để tới đây tập trung trọng tâm vào thực hiện hoạt động giám sát, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Có thể nói, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phát huy kết quả kinh nghiệm trong hoạt động giám sát nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội và nhất là của năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Một là, giám sát chuyên đề với 4 chuyên đề cụ thể liên quan đến quốc kế dân sinh, chăm lo công tác an sinh xã hội và khắc phục hậu quả hậu COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế.

Hai là, chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề nóng của xã hội hoặc cử tri và Nhân dân quan tâm.

Ba là, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Bốn là, xem xét việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về chất vấn, giám sát chuyên đề và nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện.

Năm là, xem xét báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tôi cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, trong đó có một số báo cáo quan trọng liên quan đến việc đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai các kế họah 5 năm như (kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công); giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương - Minh Thành