Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội
Phát biểu tham luận về Chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, sáng ngày 27/9, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đại diện Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 02 Đoàn giám sát:
- Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”;
- Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Về báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021: (i) Báo cáo số 455/BC-TTCP ngày 04/4/2022 của Thanh tra Chính phủ về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2016-2021; (ii) Báo cáo số 451/BC-TTCP ngày 01/4/2022 của Thanh tra Chính phủ kết quả công tác thanh tra thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của ngành Thanh tra (và Báo cáo bổ sung số 838/BC-TTCP ngày 03/6/2022).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, Báo cáo tập trung đánh giá thực trạng của việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan Thanh tra Chính phủ. Thông qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã đánh giá, nêu ra những sai phạm phổ biến trên một số lĩnh vực như: quản lý đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm; đồng thời, nêu rõ hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các báo cáo đều có biểu tổng hợp số liệu và các tài liệu kèm theo theo yêu cầu của Đoàn Giám sát của Quốc hội.
Về báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021: (i) Báo cáo số 156/BC-TTCP ngày 27/01/2022 của Thanh tra Chính phủ về chuyên đề công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021. (ii) Báo cáo số 62 ngày 08/3/2022 của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021; (iii) Báo cáo số 566/BC-TTCP ngày 22/4/2022 của Thanh tra Chính phủ về bổ sung báo cáo của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nêu rõ, các báo cáo tập trung đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo, có so sánh với cùng kỳ; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Các báo cáo đều có biểu tổng hợp số liệu từ các bộ, ngành, địa phương theo đề cương hướng dẫn của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tham gia các hoạt động của Đoàn Giám sát, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, Thanh tra Chính phủ chủ động, tích cực phối hợp với thành viên Đoàn giám sát và Tổ công tác của Đoàn Giám sát để cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát (cả trước, trong và sau khi được giám sát trực tiếp, theo yêu cầu của Đoàn giám sát); cử cán bộ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo cấp vụ thuộc Thanh tra Chính phủ tham gia các Đoàn giám sát/Tổ công tác của Đoàn Giám sát khi làm việc/giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch, phân công của Đoàn giám sát.
Thanh tra Chính phủ cử cán bộ tham dự đầy đủ các phiên họp của Đoàn Giám sát và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các hoạt động giám sát nói trên.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2022 đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2022 đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm; Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, có ý kiến cụ thể ngay từ bước chuẩn bị ban đầu và trong cả quá trình giám sát.
Thứ hai, hoạt động giám sát chuyên đề tối cao này của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.
Thứ ba, Đoàn giám sát tuân thủ nguyên tắc giám sát, có phương pháp làm việc khoa học, ý thức trách nhiệm cao. Qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát và liên quan trong thời gian tới.
Thứ tư, qua nghe báo cáo kết quả giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua việc xây dựng các dự thảo nghị quyết của Quốc hội về: “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; giao Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Qua những đánh giá nêu trên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho rằng, do hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy mô lớn, phạm vi rộng, trong giai đoạn dài nhiều năm, với nhiều chỉ tiêu cụ thể, chi tiết trong khi thời gian thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các đơn vị có hạn nên một số đơn vị được giám sát có những khó khăn nhất định trong quá trình thống kê, tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo; một số mẫu biểu, đề cương chưa phù hợp với đơn vị có tính chất đặc thù.
Thanh tra Chính phủ nhất trí với các chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đưa vào Kế hoạch giám sát năm 2023. Từ kinh nghiêm rút ra qua hoạt động giám sát năm 2022, đại diện Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo hoạt động giám sát trong năm 2023 như sau:
Một là, tiếp tục phát huy kết quả công tác giám sát năm 2022, tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Thông qua hoạt động giám sát để tiếp tục phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm hoạt động quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực được giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được giám sát nói riêng.
Hai là, khi xây dựng kế hoạch giám sát thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cần khảo sát kỹ và lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm trọng điểm, trong đó, cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải.
Ba là, quan tâm chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xây dựng đề cương, biểu mẫu báo cáo cho phù hợp, có tính khả thi, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của hoạt động giám sát./.