Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND
Thực hiện chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các địa phương là nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cũng như quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện đối các nội dung giám sát.
Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là đạo luật đầu tiên quy định riêng về hoạt động giám sát của HĐND. Luật đã có các quy định cơ bản về hoạt động của các chủ thể giám sát của HĐND, tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và điều kiện thuận lợi để HĐND thực hiện hoạt động giám sát. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND ở các địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như: việc tham gia của các đại biểu còn hạn chế, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn ít hoặc chưa tổ chức được. Bên cạnh đó, một số kiến nghị chưa sát, chưa đề ra được các giải pháp khắc phục triệt để; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan hữu quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động còn chưa rõ ràng...
Để Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phát huy hiệu quả cao hơn, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, bảo đảm các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND là cần thiết.
Theo dự thảo Tờ trình, để giải quyết các bất cập về triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã, Ban soạn thảo dự kiến quy định theo hướng hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã được lồng ghép trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND cấp xã và dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết. Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận thấy, khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định về trách nhiệm chuẩn bị của các Ban HĐND đối với hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND mà không quy định về việc triển khai hoạt động giám sát của các Ban của HĐND. Quy định như vậy là chưa thể hiện được nội dung như Tờ trình đã nêu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, do dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện nội dung này nên không rõ việc “lồng ghép” sẽ được hướng dẫn thực hiện như thế nào. Trường hợp “lồng ghép” mà làm mất đi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát chuyên đề độc lập của các Ban HĐND cấp xã là chưa thực sự phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 76 và Điều 80 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Không nên vì ở nhiều nơi các Ban của HĐND cấp xã không thực hiện được hoạt động giám sát chuyên đề mà làm mất đi thẩm quyền giám sát chuyên đề độc lập của tất cả các Ban HĐND cấp xã.
Tờ trình đã xác định bất cập của việc khó khăn, lúng túng trong việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã là do số lượng thành viên tham gia Ban HĐND cấp xã ít, HĐND cấp xã không có công chức chuyên trách giúp việc thì cần có biện pháp hoặc hướng dẫn phù hợp mà không nên hướng dẫn thực hiện khác Luật.
Đề cập về nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện các nội dung giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quỳnh Anh nêu quan điểm: Hiện nay, Quốc hội đã giao thẩm quyền cho HĐND thành phố giám sát đối với UBND của quận và phường. Do đó, HĐND Tp.Hồ Chí Minh rất cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để giúp tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND ở thành phố, làm sao chất lượng giám sát của HĐND ngày càng được nâng cao.
Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quỳnh Anh.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quỳnh Anh, hiện nay, thành phố đang thực hiện chính quyền đô thị nên việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ giúp cho hoạt động của HĐND của thành phố đạt được hiệu quả tốt hơn. Các hoạt động giám sát của người dân đối với các hoạt động của HĐND cũng ngày càng có trách nhiệm hơn.
Qua quá trình giám sát đối với các quy định ở Điều 27 liên quan đến vấn đề HĐND sẽ xem xét Báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị và các kết luận sau giám sát đối với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các nội dung, HĐND nhận thấy vẫn còn những hạn chế nhất định. HĐND đã theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị giám sát được thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện đó mới ở một chừng mực nhất định. Nếu được trình, được báo cáo trước kỳ họp HĐND và được HĐND ban hành 1 nghị quyết thì đây sẽ xem là một cơ sở mang tính chất pháp lý để giúp cho HĐND, thường trực các Ban, kể cả các tổ đại biểu và đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình sẽ có trách nhiệm hơn đối với người dân khi thực hiện các nội dung giám sát.
Thông qua những ý kiến đóng góp về nâng cao chất lượng hoạt động, giám sát của HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Thường trực Ban Soạn thảo Nghị quyết ngày 08/8/20221, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã cho ý kiến cụ thể về tên gọi, hình thức nghị quyết và xác định quy trình xây dựng Nghị quyết không phải là văn bản quy phạm pháp luật; nội dung Nghị quyết cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết, chuẩn hóa hoạt động giám sát, là cẩm nang để HĐND các cấp thuận tiện trong áp dụng. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung cơ sở pháp lý, quan điểm ban hành, phạm vi điều chỉnh Nghị quyết để đảm bảo tính chính xác và bám sát việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Đảm bảo các quy định trong dự thảo nghị quyết không trái với Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các quy định trong các Luật khác, đồng thời phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Qua thảo luận, về cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các địa phương thống nhất với nội dung Nghị quyết và cần sớm xem xét ban hành Nghị quyết; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Soạn thảo, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Soạn thảo trong việc triển khai xây dựng Nghị quyết. Chính phủ đã có văn bản số 278 đồng ý với các nội dung Nghị quyết. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần chỉnh sửa như góp ý cụ thể của Văn phòng Quốc hội, của Thường trực Ủy ban Pháp luật và của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ, của địa phương về hướng dẫn chính xác, đầy đủ, cụ thể, khoa học, bài bản hơn, làm cơ sở để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ và đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp với Thường trực Ban Soạn thảo rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Ban Công tác đại biểu xin ý kiến lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, sớm trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến, ký ban hành./.