VIỆC THỂ CHẾ HOÁ BẰNG CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÒN CHẬM DO PHẢI “CHỜ” THÔNG TƯ

11/08/2022

Qua rà soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát chỉ ra rằng, việc ban hành một số văn bản của thành phố Hà Nội còn chậm, chưa kịp thời so với yêu cầu triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương. Việc thể chế hoá bằng các quy định cụ thể, chi tiết quy trình, trách nhiệm của các địa phương cũng chậm do phải “chờ” thông tư.

 

Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo - Không để kỳ sau "chồng" lên kỳ trước

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo giai đoạn 01/7/2016-01/7/2021 với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số123/KH-TU và UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND để chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 138-KH/TU yêu cầu người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp và xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu các quận, huyện, thị ủy, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các đảng bộ, chi bộ cơ sở xây dựng kế hoạch để thống nhất thực hiện, đạt hiệu quả.

Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và căn cứ tình hình thực tiễn của Thủ đô, trong giai đoạn này, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành 05 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và 12 văn bản chỉ đạo điều hành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, việc ban hành các văn bản nêu trên đảm bảo thể chế hóa đúng đường lối, chính sách của Đảng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyêt khiếu nại, tố cáo. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hoá các quỵ phạm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, công chức thực thi nhiệm vụ áp dụng trong điều kiện cụ thể đảm bảo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào nề nếp, đúng quy định.

Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành nhằm cụ thể hóa việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo trên địa bàn Thành phố, làm căn cứ để các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, nghiêm túc. Nội dung văn bản quy phạm đảm bảo tính thống nhất, tập hợp hóa, cụ thể hoá các quy định của luật, nghị định và thông tư hướng dẫn. Trên cơ sở đó, từng cơ quan đơn vị ban hành Quy định trách nhiệm tham mưu xác minh, báo cáo vụ việc của công chức, người được giao nhiệm vụ; đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống biểu theo dõi trình tự, thủ tục xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo,... Qua đó kịp thời định hướng công tác xác minh, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tại các buổi giao ban tuần, tháng,... nhằm hạn chế việc quá hạn.

Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với thành phố Hà Nội

Tuy nhiên, qua khảo sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà chỉ ra rằng, việc ban hành một số văn bản của thành phố Hà Nội còn chậm, chưa kịp thời so với yêu cầu triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo còn kéo dài và chưa đầy đủ nên việc thể chế hoá bằng các quy định cụ thể, chi tiết quy trình, trách nhiệm của các địa phương cũng chậm do phải “chờ” thông tư nhằm đảm bảo yêu cầu nguyên tắc thống nhất trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước cũng có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại nên việc rà soát, điều chỉnh quy định còn chưa mang tính kịp thời.

Lý giải về những tồn tại, hạn chế Tổ Công tác chỉ ra, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại trên là do quy trình, thủ tục trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu phải đảm bảo chặt chẽ, có sự thẩm định, đánh giá tác động của nhiều cấp, nhiều ngành nên việc ban hành phải có thời gian nhất định. Các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu là các quy định về trình tự, thủ tục chung nhất (luật hình thức), quá trình thực hiện luôn có sự biến động do các quy phạm của văn bản luật điều chỉnh lĩnh vực bị khiếu nại, bị tố cáo (luật nội dung) có sửa đổi, bổ sung, thay thế. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước cũng có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại nên việc rà soát, điều chỉnh còn chưa mang tính kịp thời. Còn đối với nguyên nhân chủ quan là do công chức tham mưu công tác pháp chế của một số ngành, lĩnh vực, nhất là ở địa phương chủ yếu giao nhiệm vụ kiêm nhiệm và số lượng ít. Mặt khác, cán bộ pháp chế thường ít tham gia vào quy trình công việc thực tế của lĩnh vực ngành quản lý nhà nước nên việc đánh giá thực tiễn, xem xét bất cập và đề xuất phương hướng điều chỉnh,.. còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát, trong đó chú trọng việc giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương để kịp thời kiến nghị biện pháp tổ chức thực hiện đúng quy định; tiếp thu, có ý kiến đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khả thi, sát thực tiễn, phù hợp tình hình chung. Đồng thời đề nghị các cơ quan đơn vị trong quá trình xây dựng, dự thảo văn bản luật trình Chính phủ cần xem xét đồng thời chỉ đạo xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để kịp thời triển khai thực hiện khi văn bản luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành./.

Minh Thành

Các bài viết khác