Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Công tác quy hoạch thiếu khả thi gây lãng phí nguồn lực xã hội
Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2023: Tập trung nguồn lực, đảm bảo chất lượng và tiến độ
Toàn cảnh Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường (Phó Trưởng Đoàn thường trực); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (Phó Trưởng Đoàn giám sát); Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Phó Trưởng Đoàn giám sát); các thành viên Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.
Về phía cơ quan báo cáo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh các bộ: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ đã chủ trì, tham mưu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành 9 Luật, 7 Nghị quyết; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Pháp lệnh, 2 Nghị định; tham mưu, trình Chính phủ ban hành 38 Nghị định, 14 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Chỉ thị và 45 Quyết định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành theo thẩm quyền 69 Thông tư và Thông tư liên tịch hướng dẫn các nội dung trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Đồng thời, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và giai đoạn, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016-2021, các đơn vị dự toán thuộc Bộ đã tiết kiệm kinh phí chi quản lý hành chính được 364.592 tỷ đồng. Việc tiết kiệm đã tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị chủ động nguồn trong chi tiêu nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời chi thu nhập tăng thêm để động viên, khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ, công chức viên chức và người lao động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tưu đã chủ động sắp xếp, tổ chức lại, giảm đầu mối cấp phòng trong các đơn vị hành chính trực thuộc Bộ. Cụ thể, số lượng đầu mối cấp phòng trong các đơn vị hành chính thuộc Bộ giảm 15 phòng, tương ứng với giảm 27 lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
Trong giai đoạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tưu cũng thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tổng số tiền 1.826 tỷ đồng số tiền chi không đúng quy định.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nêu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực của cả nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Trong đó, có việc tham mưu cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, đầu tưu, đấu thầu, mua sắm; Việc lập, thẩm định, tổng hợp, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm; Việc thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, các dự án đầu tư theo phương thức PPP…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Đoạn giám sát về kết quả theo dõi, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, hàng năm trong giai đoạn 2016-2021. Trong đó năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, đến năm 2021 có 1.921 dự án chậm tiến độ. Về số dự án thất thoát, lãng phí: Năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 có 840 dự án, năm 2018 có 422 dự án, năm 2019 có 125 dự án, năm 2020 có 923 dự án, năm 2021 có 342 dự án….
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra.
Báo cáo của Tổ công tác (Đoàn giám sát) về kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cố gắng và đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo của Tổ công tác (Đoàn giám sát) về kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ đã thực hiện nghiêm túc việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả giai đoạn và hàng năm. Thực hiện nghiêm túc các quy định về tiết kiệm chi thường xuyên; chủ động cắt giảm nhiều khoản chi không cần thiết. Việc tinh giản bộ máy, tiết giảm biên chế đạt kết quả khả quan, bảo đảm tuân thủ quy định, đạt và vượt chỉ tiêu. Việc hiện đại hóa thành công hệ thống dữ liệu quản lý, thực hiện chuyển đổi số đã bảo đảm liên thông toàn quốc, giảm chi phí tiền bạc, thời gian, nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý toàn ngành. Việc triển khai các dự án đầu tư công của Bộ cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được thực hiện là bước đột phá trong giai đoạn này, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quyết liệt trong đề xuất cơ cấu lại vốn đầu tư công và đạt kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên, Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội) cũng chỉ ra một số tồn tại, trong đó giai đoạn 2016-2021 lần đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên việc triển khai còn khó khăn, hạn chế.
Luật Đầu tư công 2019 sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ hạn chế nhất định; việc phân cấp mạnh cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, trong giao kế hoạch trung hạn theo danh mục… dẫn đến có lúc, có nơi thể hiện tư duy nhiệm kỳ, nguy cơ tái diễn đầu tư dàn trải, lãng phí. Một số chính sách chưa theo kịp thực tiễn; thủ tục còn rườm rà; chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu thầu còn vướng mắc. Chưa hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội nhằm bảo đảm sử dụng vốn ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.
Tổ công tác cũng nhận định, chất lượng chuẩn bị dự án còn nhiều hạn chế, một số trường hợp chưa tuân thủ quy định pháp luật, thời gian thực hiện kéo dài, ở một số dự án còn tình trạng phân bổ vốn dàn trải, cào bằng. Phương án phân bổ vốn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên. Một số địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa đủ thủ tịch, chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phê duyệt không đúng thẩm quyền; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn.
Việc chậm triển khai trong hoàn thiện các thủ tục đầu tư tại nhiều địa phương, bộ ngành dẫn tới giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, phải giao nhiều lần.
Việc thực hiện tại một số dự án còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Trong đó số lượng dự án chậm tiến độ, dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, dự án thất thoát lãng phí còn khá lớn; vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2021 chưa bảo đảm, trong đó tỷ lệ chi đầu tư giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giảm dần qua các năm, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước; việc thực hiện cam kết bố trí vốn của địa phương để hoàn thành các dự án chưa tuân thủ nghiêm túc ỷ lại vào ngân sách trung ương dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tạo gánh nặng cho ngân sách trung ương, gây lãng phí nguồn lực; việc thanh toán dứt điểm và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản còn hạn chế…
Có tình trạng xếp hàng nhận chỗ trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Cho ý kiến chung về báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tưu đã nghiêm túc, có tránh nhiệm trong xây dựng báo cáo với dung lượng lớn, công phu. Các nội dung cơ bản đầy đủ, chi tiết, bám sát Khung đề cương của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Bộ cần đánh giá toàn diện hơn về tồn tại, làm rõ nguyên nhân, nêu rõ tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi vi phạm, gây thất thoát, lãng phí; chỉ rõ những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm mang lại ý nghĩa lan tỏa, giúp nhân rộng điển hình.
Về các nội dung cụ thể trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao Bộ đã tiến hành phân cấp mạnh cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, giao kế hoạch trung hạn theo danh mục. Đại biểu cũng cho rằng, việc phân cấp mạnh cho các địa phương sẽ không lo ngại tình trạng tư duy nhiệm kỳ, nguy cơ đầu tư dàn trải, lãng phí như ý kiến đánh giá của Tổ công tác. Bởi khi phân cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có vai trò độc lập, có thời gian để tiến hành giám sát, kiểm tra việc triển khai ở các địa phương làm tốt hay còn vướng mắc bất cập.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng có tình trạng "xếp hàng, nhận chỗ" trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Tuy nhiên, đối với tiến độ giải ngân vốn đầu cư công, đại biểu cho rằng đang có tình trạng có tiền nhưng không dùng đến. Tổng số chuyển nguồn chung (cả đầu tư công và chi tường xuyên) năm 2021 lớn hơn 2 lần so với năm trước. Đáng nói là vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nêu ra rất nhiều lần, gây ra lãng phí nguồn tiền, lãng phí cơ hội, đặc biệt là lãng phí cơ hội đối với dự án đang cần triển khai nhưng không triển khai được do không nằm trong danh mục dự án đầu tư công.
Đại biểu phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như trách nhiệm các cơ quan liên quan, trình tự, thủ tục, đặc biệt có tình trạng xếp hàng nhận chỗ trong danh mục đầu tư công trung hạn…. đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hiệu quả trong công tác quản lý đối với lĩnh vực này. Ngoài ra, để vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Bộ nghiên cứu xem xét xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thay vì 5 năm và để tránh tình trạng xin cho cần nêu cụ thể các tiêu chí xếp hạng dự án sẽ, có chấm điểm rõ ràng, minh bạch.
Một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nêu thực trạng giải ngân vốn ODA hiện nay chậm nhất so với các nguồn vốn đầu tư vì vừa phải tuân thủ quy định của Chính phủ, vừa phải tuân thủ yêu cầu của nhà tài trợ; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào để tránh lãng phí, thất thoát.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý có nhiệm vụ tham mưu chủ chốt cho Chính phủ về quản lý đầu tư nên lãng phí trong nội bộ ngành không quá lớn. Tuy nhiên, theo đại biểu trong lĩnh vực quản lý nhà nước, lĩnh vực đầu tư là lĩnh vực thời gian qua nhìn ở đâu cũng thấy thất thoát, lãng phí. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phản ánh, thể hiện các số liệu cho thấy tình hình này khá nổi cộm ở các địa phương và các bộ ngành. Từ việc chậm trong xây dựng kế hoạch, đến việc giao vốn, quản lý, sử dụng vốn, chuyển nguồn lớn, triển khai dự án chậm tiến độ, đội vốn kéo dài, sai phạm, thất thoát lãng phí nhiều tỷ đồng.
Vấn đề đặt ra là thực trạng đã hiểu, đã rõ, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến đâu trong việc để xảy ra tình trạng này, bởi đây là vấn đề đang ngày càng nóng, càng bức xúc.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát.
Đại biểu đặt câu hỏi, việc hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra xử lý trách nhiệm của những sai phạm, lãng phí đã được Bộ làm hết trách nhiệm hay chưa? Báo cáo của Bộ trong 5 năm thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi về ngân sách 1,826 tỷ động trong nội bộ ngành có tương xứng với các dự án trong ngành đã triển khai không?; Kết quả thanh tra tại các địa phương đã ban hành 47 kết luận, kiến nghị xử lý 762 tỷ đồng, liệu đã đúng với lĩnh vực quản lý so với số tiền đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng trong 5 năm qua? Trách nhiệm quản lý nhà nước, việc hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra xử lý sai phạm được thực hiện như thế nào?
Đại biểu Trần Văn Lâm lo ngại về số chuyển nguồn hàng năm tại một số địa phương gần 50% tổng số vốn; nếu tiếp tục dồn lại, số dư chuyển nguồn của các năm còn lớn hơn số đi vay để đầu tư.
Tại buổi giám sát, một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc đấu thầu tiết kiệm 5-6% so với chỉ định thầu, nhưng thực tế chi phí cho đầu thầu lớn, làm kéo dài thời gian và chậm triển khai dự án. Thời gian qua Bộ đã tham mưu Chính phủ cho thực hiện cơ chế chỉ định thầu đã cho thấy cơ chế đấu thầu phần nào đã bộc lộ những bất cập; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ nguyên nhân là gì, đã gỡ đến đâu, giải pháp thế nào để nâng cao hiệu quả, tránh để đấu thầu trở thành gánh nặng, cản trở thực hiện đầu tư.
Một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát làm rõ hơn về nguyên nhân sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP được ban hành, nhiều dự án đầu tư theo hình thức này bị chững lại và đình trệ rất nhiều; hàng loạt dự án có chủ trương huy động PPP lại chuyển sang đầu tư công. Đại biểu nhận định có sự chậm chạp trong việc chỉ rõ nguyên nhân trong khi đây được coi là một trong những kênh huy động nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh trước thực trạng quy hoạch tỉnh chậm được phê duyệt. Tính đến thời điểm này, chỉ có duy nhất Bắc Giang là địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh. Sau khi được phê duyệt, địa phương này đã phát triển rất nhanh là minh chứng cho thấy, sự lãng phí nguồn lực ở địa phương nếu quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình vấn đề đại biểu nêu tại buổi giám sát.
Giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thực hiện yêu cầu giám sát với trách nhiệm cao, nghiêm túc, cầu thị, không né tránh. Đối với các vấn đề cụ thể đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã tiến hành phân cấp cho địa phương, trong đó phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm. Vì vậy, việc lập quy hoạch tỉnh thuộc trách nhiệm của địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tham gia phê duyệt, nhưng đến thời điểm này Bộ chưa nợ quy hoạch của địa phương nào. Bộ trưởng cũng nêu một số nguyên nhân khiến tình trạng chậm lập quy hoạch tỉnh ở các địa phương một phần do năng lực, số lượng lớn, lực lượng tư vấn kém, kinh nghiệm còn ít.
Về đấu thầu dự án đầu tư, Bộ trưởng khẳng định đấu thầu là công khai, minh bạch, nhất là khi tiến hành đấu thầu qua mạng. Đấu thầu là đòi hỏi của thực tiễn, là chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhưng trong quá trình thực hiện còn vướng mắc về luật pháp, các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan, có một số cơ quan, chính quyền địa phương không muốn đấu thầu mà đề nghị chỉ định thầu cho nhanh và có thể lồng lợi ích nhóm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình các vấn đề thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nêu liên quan đến đề nghị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thay vì 5 năm; việc phân bổ vốn đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công; đánh giá hiệu quả sau đầu tư, thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP…
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quyết liệt hơn, với tinh thần nhanh nhưng hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết có 8 ý kiến, với 32 vấn đề được nêu trong buổi làm việc; các nhận định, đánh giá đều có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng để Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các bộ, các cơ quan trong việc xây dựng dự thảo báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chuyên đề giám sát này là chuyên đề khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt, xương sống của nền kinh tế. Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị và không né tránh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chuẩn bị các báo cáo công phu, hệ thống phụ lục, bảng biểu tương đối đầy đủ, bám sát mục đích, yêu cầu của nội dung, phạm vi, đối tượng, các văn bản của Đoàn giám sát. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp nhiều thông tin, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đoàn giám sát chia sẻ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật mặc dù từng bước hoàn thiện nhưng quá trình phát triển xuất hiện bất cập; việc triển khai chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng còn một số nội dung khó lượng hóa.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ hơn ưu điểm nổi bật như triển khai kế hoạch và đầu tư công trung hạn, tháo gỡ vướng mắc để giảm vốn đầu tư của ngân sách nhà nước... Đối với khuyết điểm tồn tại cần nêu dẫn chứng, đồng thời làm rõ nguyên nhân chủ quan và chỉ ra trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Lượng hóa tối đa, kết quả tiết kiệm, số lãng phí; mô hình hóa, sơ đồ hóa các phụ lục, biểu bảng; trong đánh giá tránh trùng lặp mâu thuẫn giữa ưu điểm, khuyết điểm; Bộ trưởng chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo. Đối với việc rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan cần nêu rõ sửa nội dung gì, vì sao sửa đổi.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tế kiểm nghiệm chứng minh, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo quyết liệt, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, không đợi đến khi Quốc hội kết luận và ban hành nghị quyết chuyên đề mới triển khai. Việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quyết liệt hơn, với tinh thần nhanh nhưng hiệu quả không để chuyển từ cực này qua cực khác gây lãng phí, đặc biệt không tạo tiền lệ để tiếp tục gây lãng phí….
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Toàn cảnh Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn thường trực điều hành nội dung báo cáo và thảo luận.
Các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi giám sát.
Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu thực trạng quy hoạch tỉnh chậm, gây lãng phí nguồn lực ở địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ hiệu quả của hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư công.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tham gia ý kiến tại buổi làm việc.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quyết liệt hơn, với tinh thần nhanh nhưng hiệu quả không để chuyển từ cực này qua cực khác gây lãng phí, đặc biệt không tạo tiền lệ để tiếp tục gây lãng phí.