ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THỐNG NHẤT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND

18/08/2022

Chiều ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Tại Phiên họp, các thành viên đã thống nhất sớm ban hành Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND

Tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là đạo luật đầu tiên quy định riêng về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND). Cùng với hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật này đã có các quy định cơ bản về hoạt động của các chủ thể giám sát của HĐND, tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và điều kiện thuận lợi để HĐND thực hiện tốt động giám sát.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND ở các địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như: Việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu còn hạn chế, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn ít hoặc chưa tổ chức được; một số kiến nghị chưa sát, chưa đề ra được các giải pháp khắc phục triệt để; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan hữu quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động còn chưa rõ ràng...


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Để Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phát huy hiệu quả cao hơn, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, bảo đảm các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp thì việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết.

Cũng tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND với các lý do: Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đã được xác định trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24/6/2021 của Đảng đoàn Quốc hội) và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; Tạo căn cứ pháp lý để HĐND các địa phương thực hiện hoạt động giám sát; khắc phục vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của HĐND.

Về 05 vấn đề Ban soạn thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với đề xuất của Ban soạn thảo. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có 02 văn bản tham gia ý kiến là văn bản số 663/UBPL15 ngày 31/3/2022 và văn bản số 804/UBPL15 ngày 25/5/2022, đồng thời đã tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và các tài liệu khác trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Về cơ bản, nhiều ý kiến góp ý của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan và Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đề nghị cân nhắc, hoàn thiện thêm một số nội dung.

Về báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của HĐND, Thường trực HĐND (Điều 7): đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 7 về việc gửi báo cáo đến Thường trực HĐND “vào kỳ họp cuối năm của HĐND” theo hướng quy định rõ mốc thời gian cần gửi báo cáo để thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Về chất vấn tại kỳ họp HĐND (Điều 10): Quy định tại đoạn 2 khoản 3 về việc công khai phiên họp chất vấn trên các phương tiện truyền thông của địa phương là cần thiết, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, có ý kiến đề nghị cân nhắc theo hướng nội dung phiên họp chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã được công khai bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Khoản 3 Điều 10 quy định về việc phiên họp chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do HĐND quyết định. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy đây là nội dung đã được quy định tại khoản 6 Điều 60 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Do đó, đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần cụ thể hóa các tiêu chí để HĐND có căn cứ quyết định đối với các trường hợp không phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND (Điều 11): Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc hạn chế áp dụng máy móc cách làm của các cơ quan của Quốc hội, theo đó, không nên quy định bộ phận giúp việc phối hợp với các Ban của HĐND.

Về chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND (Điều 12): đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3 về việc Thường trực HĐND quyết định việc ban hành nghị quyết về chất vấn bởi vì Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND không quy định Thường trực HĐND ban hành nghị quyết về chất vấn; đồng thời, hình thức văn bản riêng của Thường trực HĐND cũng không được chính thức quy định trong Luật, do đó không nên đặt vấn đề này.

Về đối tượng tham dự và trả lời chất vấn, giải trình tại các địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị (Điều 14): Hiện nay có 03 Nghị quyết riêng của Quốc hội về thí điểm, tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 02 nghị quyết quy định cụ thể về đối tượng trả lời chất vấn. Do đó, đề nghị sửa lại đối tượng chất vấn tại khoản 3 là: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận trả lời chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND thành phố đối với đơn vị hành chính không tổ chức HĐND quận và HĐND phường.

Về nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND (Điều 19): Đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 6 về việc Tổ trưởng báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp về kết quả giám sát của đại biểu HĐND trong Tổ, bởi vì theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì Tổ đại biểu HĐND chỉ tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện hoạt động giám sát (khoản 2 Điều 83, Điều 86); còn đại biểu HĐND báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND (điểm c khoản 4 Điều 86).

Về công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát (Điều 28): Dự thảo Nghị quyết quy định “Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND quyết định việc công khai kết quả giám sát trên phương tiện truyền thông của địa phương để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát”.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban nhận thấy, “công khai” là một nguyên tắc của hoạt động giám sát, được quy định tại Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời, tại khoản 1 Điều 89 quy định “Chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc công khai kết quả giám sát nên được quy định theo hướng là trách nhiệm của Thường trực HĐND mà không phải là vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của cơ quan này.

Việc sớm ban hành Nghị quyết là cần thiết để hỗ trợ công tác giám sát của HĐND được tốt hơn

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đều thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Nghị quyết và cho rằng cần sớm ban hành Nghị quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Đóng góp ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND và hy vọng Nghị quyết sớm được ban hành. Bởi điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị tiếp tục phát huy hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Đồng thuận với quan điểm trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quỳnh Anh cho rằng, phát huy hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa không chỉ thuận tiện trong việc lưu trữ dữ liệu, cung cấp thông tin về các hoạt động của HĐND được tốt hơn mà còn hỗ trợ công tác giám sát của các đơn vị của HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND ngày càng hiệu quả hơn.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quỳnh Anh, hiện nay, thành phố đang thực hiện chính quyền đô thị nên việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ giúp cho hoạt động của HĐND của thành phố đạt được hiệu quả tốt hơn. Các hoạt động giám sát của người dân đối với các hoạt động của HĐND ngày càng có trách nhiệm hơn.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Ban Công tác đại biểu, các cơ quan, Bộ ngành tham gia đóng góp ý kiến; tiếp thu sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Qua thảo luận, các cơ quan, địa phương đều thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết và cho rằng, đến nay đủ điều kiện ban hành Nghị quyết. Vì vậy, đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết có thể trở thành Cẩm nang cho việc hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu về hoạt động giám sát của HĐND một cách thuận tiện hơn nên các cơ quan lưu ý để thực hiện điều này.

Phát biểu Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Qua thảo luận, về cơ bản Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của địa phương, thống nhất với nội dung Nghị quyết và cần sớm xem xét ban hành Nghị quyết; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Soạn thảo, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Soạn thảo trong việc triển khai xây dựng Nghị quyết. Chính phủ đã có văn bản số 278 đồng ý với các nội dung Nghị quyết.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Tuy nhiên, còn một số nội dung cần chỉnh sửa như góp ý cụ thể của Văn phòng Quốc hội, của Thường trực Ủy ban Pháp luật và của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ, của địa phương về hướng dẫn chính xác, đầy đủ, cụ thể, khoa học, bài bản hơn, làm cơ sở để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ và đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp với Thường trực Ban Soạn thảo rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Ban Công tác đại biểu xin ý kiến lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, sớm trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến, ký ban hành.

Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND với tỷ lệ 100% thành viên tán thành./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:


Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND.


Các đại biểu tham dự Phiên họp.


Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị tiếp tục phát huy hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.


Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quỳnh Anh cho rằng, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ giúp cho hoạt động của HĐND của thành phố đạt được hiệu quả tôt tốt hơn. 


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường bày tỏ nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND với tỷ lệ 100% thành viên tán thành.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Bích Lan-Phạm Thắng