CẦN CHỦ ĐỘNG KIỂM TRA, RÀ SOÁT NHẰM HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG KHIẾU KIỆN ĐÔNG NGƯỜI PHỨC TẠP, KÉO DÀI VƯỢT CẤP

14/08/2022

Đánh giá về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát cho rằng UBND và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết chủ động, kịp thời phân loại vụ việc, tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết, kết hợp với tuyên truyền, vận động nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài vượt cấp.

Cần đánh giá sâu hơn về chất lượng, hiệu quả tiếp công dân của người đứng đầu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Thành phố Hà Nội

Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế

Đánh giá bước bước đầu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2021, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà – Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã khái quát được tình hình chung, những lĩnh vực, nội dung chủ yếu công dân khiếu nại, tố cáo. Theo Báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn vẫn tiềm ảnh những yếu tố phức tạp; số việc khiếu nại, tố cáo tăng khoảng 8,1% so với giai đoạn 2010-2015. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp vẫn còn phát sinh; một số đoàn đông người có biểu hiện lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tạo áp lực với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh trật tự. Trong giai đoạn này, UBND Thành phố Hà Nội đã thụ lý 9.459 vụ việc khiếu nại, đã giải quyết 9.134 vụ (tỷ lệ 96,5%). Trong đó, khiếu nại đúng chiếm 6,4%; khiếu nại đúng một phần chiếm 20,5%. Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng xem xét thụ lý 4.770 vụ việc tố cáo, giải quyết xong 4.362 vụ (đạt tỷ lệ 94,4%). Trong đó, tố cáo đúng chiếm 6,4%; tố cáo đúng một phần chiếm 20,5%.

Tổ Công tác cũng nhận thấy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, ở cấp xã do không có công chức chuyên trách nên chất lượng tiếp nhận phân loại, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; đơn tố cáo với đơn khiếu nại; nhầm lẫn trong phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa cơ quan hành chính với cơ quan Toà án,... dẫn đến việc phân loại đơn và tham mưu áp dụng pháp luật trong xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc còn thiếu chính xác hoặc sai sót nhất định. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an ninh trật tự ở địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bên cạnh đó, một số đơn vị chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc, tính chủ động, phối hợp chưa cao, một số vụ khiếu nại, tố cáo nhất là đối với vụ việc phức tạp, kéo dài trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ áp dụng pháp luật khác nhau, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành cần phải có quan điểm, có sự phối hợp giải quyết của liên ngành, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ. Một số quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo tuy đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa tổ chức thực hiện dứt điểm, tồn đọng kéo dài thường liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quản lý sử dụng đất.

Một số vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị quận, huyện chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ của UBND Thành phố và các sở, ngành chuyên môn hoặc đã có văn bản báo cáo xin ý kiến nhưng không sát sao. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Việc kết nối liên thông giữa các cơ quan từ Thành phố đến các huyện, xã trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo dẫn đến việc theo dõi, tổng hợp, khai thác các dữ liệu, sử dụng các thông tin về công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa phát huy hết hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà – Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Tăng cường thanh kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tổ Công tác cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó khăn, phức tạp; nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài qua các thời kỳ, quá trình giải quyết phải xác minh, thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, trong khi việc lưu trữ tài liệu trong lĩnh vực quản lý đất đai cấp cơ sở còn hạn chế; quá trình chuyển đổi vị trí công tác, bàn giao nhiệm vụ, tài liệu không đầy đủ gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết. Tình trạng công dân cố tình khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn thư nhiều nơi vẫn còn; cá biệt có trường hợp lợi dụng dân chủ và công luận để gây khó khăn cho cơ quan tư pháp mặc dù đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Mặt khác, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu một số đơn vị còn chưa quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc; chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất, báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chuyên môn để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Một số cán bộ, công chức thực thi công vụ có vi phạm, thậm chí sai phạm dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. Công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương, trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu sót. Một số nơi còn buông lỏng trong công tác quản lý nhà đất; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa được đảm bảo;…

Từ những tồn tại, hạn chế trên, Tổ Công tác đề nghị Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người hoặc chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại cũng như tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Đồng thời chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài; tích cực đôn đốc, phối hợp giải quyết các vụ việc, kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình, giải quyết dứt điểm vụ việc từ khi mới phát sinh để góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương. Cùng với đó cần dự báo về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới; chỉ đạo các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết chủ động, kịp thời phân loại vụ việc, tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết, kết hợp với tuyên truyền, vận động nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài vượt cấp./.

Minh Thành

Các bài viết khác