BAN HÀNH CHƯA ĐẦY ĐỦ CÁC CHƯƠNG TRÌNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ

07/07/2022

"Ban hành chưa đầy đủ các chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí..." là một trong những nội dung được chỉ ra tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” với Kiểm toán Nhà nước tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát.

 

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước

Thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm và giai đoạn theo Chương trình tổng thể của Chính phủ, ban hành các Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ hàng năm; công văn hướng dẫn các đơn vị về tổ chức thực hiện dự toán năm, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong giai đoạn 2016-2021 Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 88 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành và việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán của các đơn vị trong ngành. Qua hoạt động thanh tra chưa phát hiện vi phạm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ ngành kiểm toán nhà nước, song qua đó góp phần tăng cường việc quản lý sử dụng ngân sách, tài sản và việc tuân thủ các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thành viên Đoàn Giám sát

Cho ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cơ bản đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo đó thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/6/2016, chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về công tác phòng chống tham nhũng lãng phí và phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng. Trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong phương pháp kiểm toán, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh kỷ luật tài chính trong quản lý tài sản công, tài chính công, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cung cấp nhiều thông tin để Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tham mưu hoặc trực tiếp ban hành quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và tổ chức thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế được chỉ rõ, như: Ban hành chưa đầy đủ các chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí, theo đó còn thiếu chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; một số Quyết định ban hành chương trình còn chậm so với quy định.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nội dung báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí với một số lĩnh vực mới  nêu chung việc thực hiện theo quy định hiện hành mà chưa có số liệu minh chứng, chưa đánh giá kết quả, làm rõ thông tin và các chỉ tiêu, định mức, mục tiêu đã ban hành như yêu cầu của Khung đề cương.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác, Đoàn Giám sát

Theo rà soát, đánh giá của Tổ công tác - Đoàn Giám sát, công tác phòng, chống tham nhũng mới phát huy hiệu quả cao ở khía cạnh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; việc phát hiện xử lý tham nhũng còn hạn chế, số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển sang cơ quan điều tra còn chưa nhiều. Ngoài ra, việc thực  hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị còn hình thức, hiệu quả chưa cao; việc xây dựng nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa cụ thể;…

Qua thảo luận, các thành viên của Đoàn Giám sát kiến nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ kết quả việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung số liệu lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán; đánh giá số lượt giao kế hoạch đầu tư công trong năm, đánh giá việc xây dựng và đưa vào hoạt động trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước,…

Liên quan đến quản lý tài sản nhà nước, các ý kiến cũng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cần lượng hóa cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí trong quản lý, mua sắm, sử dụng nhà đất công vụ, trụ sở làm việc. Đồng thời, báo cáo hiệu suất sử dụng nhà công vụ, báo cáo việc thu hồi nhà, đất công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng;…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021 của Kiểm toán Nhà nước,  Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đây là nội dung rất quan trọng được Đoàn Giám sát xây dựng trong Kế hoạch, đề cương giám sát.

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp thu tối đa ý kiến phân tích, thảo luận; khẩn trương rà soát, bổ sung thông tin,dữ liệu còn thiếu. Trong đó, chú trọng một số vấn đề trọng tâm như sau: Bổ sung cả về số liệu và nhận định, đánh giá xung quanh vấn đề ban hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong nội bộ cơ quan Kiểm toán; về công tác xây dựng Kế hoạch kiểm toán và đánh giá hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán,… Đồng thời, làm rõ hơn tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trong quản lý, sử dụng lao động;…

Bên cạnh đó, đối với các kiến nghị nâng cao vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước nói riêng và trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm chống lãng phí nói chung, cần có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi ,bổ sung cụ thể, rõ ràng. Trong đó, phải bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến chức năng kiểm toán Nhà nước, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Lê Anh