LÀM RÕ HIỆU QUẢ THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH THANH TRA CẤP HUYỆN TIẾP CÔNG DÂN

01/07/2022

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong sáng 01/7, Đoàn giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Lào Cai về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Đây là địa phương thứ 4 Đoàn làm việc sau khi đã giám sát tại 8 bộ ngành Trung ương thời gian qua.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ phương châm giám sát là không phải “bới lông tìm vết” mà để đánh giá một cách khách quan, toàn diện việc thực hiện pháp luật ở các cơ quan hành pháp, tư pháp ở cả Trung ương và địa phương, thông qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật để có kiến nghị bổ sung, sửa đổi; tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đôn đốc thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện. Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh nhiều nội dung đoàn quan tâm, trong đó có chất lượng các cuộc tiếp công dân, các phiên tòa xét xử, các bản án, đặc biệt là việc thí điểm chuyển bộ phận tiếp dân từ Văn phòng Uỷ ban nhân dân sang cơ quan Thanh tra.

Trong giai đoạn từ 2016-2021, toàn tỉnh Lào Cai đã đón tiếp hơn 23.000 lượt công dân với trên 17.900 vụ việc. Việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, cấp huyện và cấp xã được thực hiện theo Luật Tiếp công dân, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, với tổng số 42 ngày/60 ngày theo quy định. Tỷ lệ giải quyết xong các vụ việc khiếu nại đạt hơn 97%. Về tố cáo, số vụ việc tố cáo đúng chiếm hơn 12% trong tổng số 183 vụ việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo Tổ khảo sát, Lào Cai  đã kiên trì, công phu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra điểm nóng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu ở cấp huyện có ít sai sót. Trong kỳ báo cáo có 346 vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Từ thực tiễn, từ 01/01/2017 đến 31/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc thực hiện thí điểm chuyển Ban tiếp công dân cấp huyện về cơ quan thanh tra huyện quản lý . Đến nay, 9/9 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình này, qua đó  thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Ông  Đỗ Văn Đương – Chuyên gia Đoàn Giám sát cho biết: "Thanh tra phải gắn liền với  phân loại  khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh rất tốt, không ai thay thế được nên  tôi rất đồng ý mô hình thí điểm này đưa vào luật Thanh tra để  bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đưa về thanh tra cấp huyện, do Phó Thanh tra chịu trách nhiệm chứ không để Phó Văn phòng chịu trách nhiệm, do nhiều việc nên thiếu sự sâu sát...".

Ông  Đỗ Văn Đương – Chuyên gia Đoàn Giám sát

Theo Ông Bùi Văn Xuyền - Chuyên gia Đoàn Giám sát, trụ sở tiếp công dân và ứng dụng công nghệ thông tin được Lào Cai triển khai rất bài bản, còn  một số tồn tại thì hầu như là vấn đề thường gặp ở các tỉnh...

Tuy nhiên, thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý việc tiếp công dân cần được thực hiện hiệu quả ngay từ cấp cơ sở, nhất là đối với tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, số ngày của UBND cấp xã có 13.340 ngày/36.480 ngày, theo luật thì đạt 36,56%, chưa đạt 40% là rất thấp và điều này liên quan đến việc do thiếu tiếp dân ở cấp dưới đã đẩy lên cấp trên.

Bên cạnh đó, ý kiến khác cũng đề nghị tỉnh làm rõ hơn nguyên nhân s ố lượng  các vụ  án hành chính  còn  nhiều; chỉ rõ  các giải pháp, kiến nghị để khắc phục tình trạng  khiếu nại không  có hồi kết của người dân với cơ quan  hành chính  Nhà nước;  đơn không có điểm dừng với các vụ tái thẩm, giám đốc thẩm./.

Khắc Phục