KẾT QUẢ KIỂM TOÁN CHỈ RA NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

05/07/2022

Báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Toàn cảnh Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước

Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021 và Kế hoạch giám sát, khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương, Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà toán tại Nhà Quốc hội vào sáng 5/07 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát.

Báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của Đoàn Giám sát, Kiểm toán Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo của Kiểm toán Nhà nước và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 cho toàn ngành.

Trong giai đoạn 2016 -2021, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng các phát hiện, kiến nghị kiểm toán đối với các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thông qua 1.243 cuộc kiểm toán đã thực hiện, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài sản 431.435,5 tỷ đổng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng tập trung kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn”, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế, xã hội để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và thượng tôn pháp luật.

Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều lỗ hổng cơ chế, chính sách đối với nhiều lĩnh vực được kiểm toán như: Đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;….

Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện những dấu hiệu không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính,…. Qua đó, đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán cho cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, cung cấp 763 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương,…

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 -2021 cho thấy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện kịp thời và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Nhiều cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn lực tài chính được giao theo quy định để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị phục vụ cải cách hành chính, góp phần tăng thu nhập và đãi ngộ cho người lao động,…

Tuy nhiên, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh, cùng với kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tài, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể:

Một là, cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

Hai là, các văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; tỷ lệ tổ chức đấu thầu qua mạng tại nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa đảm bảo theo lộ trình…,

Thứ ba, việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm, dẫn đến khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý còn thiếu đồng bộ, trái với quy định quản lý cấp trên hoặc không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở trong quản lý tài chính công, tài sản công như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, dự án BT, BOT…;

Bốn là, việc chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao, tình trạng không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý tài chính, kế toán còn diễn ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán./.

Lê Anh