ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ LÀM VIỆC VỚI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

05/07/2022

Sáng 05/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó trưởng Đoàn Giám sát; đại diện Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; các thành viên, chuyên gia của Đoàn Giám sát;…

Về phía cơ quan báo cáo có: Tổng Kiểm toán Nhà nước  Trần Sỹ Thanh. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường...

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, đây là phiên làm việc thứ hai của Đoàn giám sát về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với các cơ quan trung ương về công tác này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát 

Đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu, hồ sơ của Kiểm toán Nhà nước tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cuộc làm việc tập trung vào 02 nội dung trọng tâm: (1) Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021 của các cơ quan, đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước; (2) Kết quả kiểm toán các bộ, ngành, địa phương đối với các nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, kết quả kiểm toán theo Báo cáo số 558/BC-KTNN có ý nghĩa quan trọng, là một trong những kênh thông tin cần thiết trong phục vụ hoạt động giám sát trực tiếp và đối chiếu với các báo cáo của các tổ chức chịu sự giám sát còn lại để có những đánh giá, kết luận giám sát phù hợp. Do đó, đề nghị Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước phải có số liệu, thống kê đầy đủ, chính xác,..

Kiểm toán Nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Cho biết về Kết quả rà soát về Báo cáo Kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021 của Kiểm toán Nhà nước, Tổ trưởng Tổ Công tác Lê Minh Nam nêu rõ, giai đoạn 2016 -2021, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Báo cáo cơ bản bám sát Khung đề cương của Đoàn giám sát. Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Kiểm toán Nhà nước trong nội bộ cơ quan có những kết quả tích cực.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 -2021 do Kiểm toán Nhà nước cung cấp có giá trị quan trọng trong sử dụng phục vụ lập Báo cáo Giám sát tổng hợp chung của Đoàn Giám sát. Hơn nữa, việc tiếp tục báo cáo bổ sung thông tin kết quả kiểm toán chi tiết theo 7 nhóm nội dung; bổ sung thông tin kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán theo 8 nhóm nội dung theo đó xác định cụ thể đối tượng đến từng địa phương, Bộ, Ngành được kiểm toán đã thể hiện nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kết quả giám sát. Những thông tin cụ thể này sẽ được sử dụng phục vụ lập báo cáo Giám sát để minh chứng cho những đánh giá, kết luận và kiến nghị trên góc độ tổng thể, vĩ mô, với với mục tiêu giám sát tối cao của Đoàn Giám sát.

Tuy nhiên, để tiếp tục có thêm thông tin, tài liệu phục vụ giám sát, Đoàn Giám sát xem xét đề nghị Kiểm toán Nhà nước: Bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 với phạm vi trong giai đoạn 2016 -2022; Rà soát để phối hợp phân tích, đánh giá sâu thêm về những sai phạm về kinh tế, về quản lý sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm  pháp luật,….gây lãng phí, thất thoát nguồn lực để có giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới;…

Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm và giai đoạn theo Chương trình tổng thể của Chính phủ, ban hành các Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ hàng năm; công văn hướng dẫn các đơn vị về tổ chức thực hiện dự toán năm, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

Đối với kết quả kiểm toán liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng các phát hiện, kiến nghị kiểm toán đối với các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống tiết kiệm chống lãng phí theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thông qua 1.243 cuộc kiểm toán đã thực hiện, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 432.435, 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng tập trung kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn”, ràn cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế, xã hội để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và thượng tôn pháp luật.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 -2021 cho thấy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện kịp thời và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhf nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng với những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Các văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ- CP của Chính  phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; Việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm;…

Kết quả kiểm toán là một trong những kênh thông tin quan trọng

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, đa số ý kiến thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao nội dung Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Báo cáo cơ bản đã bám sát yêu cầu của Đoàn Giám sát với nội dung, phụ lục chi tiết…

Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, trong giai đoạn 2016 -2021, việc thực hiện tiết kiệm chống lãng phí đã đạt được các kết quả tích cực. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong giai đoạn 2016 -2021, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong phương pháp kiểm toán, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh kỷ luật tài chính trong quản lý tài sản công, tài chính công, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cung cấp nhiều thông tin để Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao….

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai

Đối với báo cáo tình hình thực hiện kiểm toán và kết quả kiểm toán việc thực hiện tiết kiệm chống lãng phí tại bộ, ngành, địa phương, Báo cáo do Kiểm toán Nhà nước cung cấp có giá trị quan trọng. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của Kiểm toán Nha nước trong việc bố tris cán bộ và cung cấp thông tin đầy đủ, chu đáo, kịp thời cho Đoàn Giám sát và các Tổ công tác khi thực hiện rà soát.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị còn hình thức; việc xây dựng nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa cụ thể;…

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, một số ý kiến đại biểu đề nghị, Kiểm toán Nhà nước bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các Bộ, ngành, địa phương; rà soát, đánh giá sâu về những sai phạm trong quản lý sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý gây lãng phí, thât thoát nguồn lực;… Bên cạnh đó, cần chỉ rõ, hệ thống hóa các quy định về định mức, chế độ cần điều chỉnh; nhận định, số liệu đánh giá đưa ra cần gắn với trách nhiệm cá nhân, cụ thể hóa về mặt pháp luật hơn nữa đối với chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí;...

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Tổ Công tác, Tổ giúp việc trong công tác phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan liên quan.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn Giám sát, chuyên gia có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đây cũng là cơ sở quan trọng để Đoàn Giám sát tiếp thu, nghiên cứu tiếp tục làm việc với các cơ quan đơn vị và tổng hợp xây dựng Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trong thời gian tới. Báo cáo của Kiêm toán Nhà nước đã bám sát mục đích, yêu cầu, mục tiêu của Đoàn giám sát, đồng thời kịp thời bổ sung được nhiều thông tin, nội dung quan trọng, thiết thực… phục vụ cho hoạt động giám sát chuyên đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Đoàn Giám sát cũng đánh giá cao vai trò chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tổng Kiểm toán Nhà nước, sự  tích cực chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, công phu với nhiều nội dung được thể hiện cụ thể, chi tiết cùng hệ thống phụ lục, bảng biểu khoa học.

Khẳng định đây là Giám sát chuyên đề có nội dung quan trọng được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhưng đồng thời cũng là chuyên đề khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành mang tính chuyên môn sâu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, kết quả báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có ý nghĩa, giá trị quan trọng trong sử dụng tổng hợp, báo cáo đánh giá chung của Đoàn Giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu tối đa ý kiến phân tích, thảo luận tại cuộc làm việc, khẩn trương rà soát hoàn thiện báo cáo. Trong đó, chú trọng một số vấn đề trọng tâm như sau:

Thứ nhất, về nội dung thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Kiểm toán Nhà nước: Đây là nội dung rất quan trọng Đoàn Giám sát  xây dựng trong Kế hoạch, đề cương giám sát. Yêu cầu Tổng Kiểm toán Nhà nước  tiếp  thu tối đa, chỉ đạo các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước bổ sung báo cáo cả về số liệu và nhận định, đánh giá xung quanh vấn đề ban hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong nội bộ cơ quan Kiểm toán; về việc xây dựng Chương trình kế hoạch Kiểm toán và đánh giá hiệu quả, hiệu lực đặc biệt là thực hiện kiểm toán,..

Về sử dụng ngân sách, về đầu tư công, đề nghị làm rõ hơn tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trong quản lý, sử dụng lao động;…

Bên cạnh đó, đối với các kiến nghị nâng cao vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước nói riêng và trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm chống lãng phí nói chung, cần có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi ,bổ sung cụ thể, rõ ràng. Trong đó, phải bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến chức năng kiểm toán Nhà nước, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ hai, đối với việc cung cấp thông tin, tình hình thực hiện kiểm toán và kết quả kiểm toán việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại bộ, ngành, địa phương: Đây là kênh thông tin quan trọng cùng với thông tin từ Thanh tra, báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương. Do đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác; có bóc tách số liệu rõ ràng đối với từng bộ, ngành, địa phương,….

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng yêu cầu, Đoàn Giám sát tiếp tục bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 có phạm vi trong giai đoạn 2016 -2021 nhưng chưa phát hành đến thời điểm lập báo cáo (01/6/2022); Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể về kết quả kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác giám sát trực tiếp tại các đầu mối; Rà soát để phối hợp phân tích, đánh giá sâu thêm về những sai phạm về quản lý sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; Bố trí nhân sự phối hợp tham gia trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Báo cáo giáo sát chung của Đoàn Giám sát;….

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” làm việc với Kiểm toán Nhà nước

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát, chủ trì cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát điều hành nội dung làm việc

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, cùng với những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Các văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ- CP của Chính  phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ;...

Các vị đại biểu là thành viên, chuyên gia trong Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” tham dự cuộc làm việc

Tổ trưởng Tổ Công tác Lê Minh Nam nêu rõ, giai đoạn 2016 -2021, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Báo cáo cơ bản bám sát Khung đề cương của Đoàn giám sát. Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Kiểm toán Nhà nước trong nội bộ cơ quan có những kết quả tích cực.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau góp ý vào nhiều nội đung trọng tâm tại Báo cáo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đánh giá và tán thành nhiều nội dung cơ bản trong Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, khẳng định thông tin, số liệu trong Báo cáo kiểm toán Nhà nước cũng như hoạt động của Kiểm toán Nhà nước có hỗ trợ lớn trong hoạt động giám sát. Đại biểu đề nghị, báo cáo cần chỉ rõ quy định liên quan đến chế độ, định mức cần điều chỉnh; thông tin số liệu đưa ra cần gắn với trách nhiệm cụ thể;...

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát lưu ý, kết quả kiểm toán theo Báo cáo số 558/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước có ý nghĩa quan trọng, là một trong những kênh thông tin cần thiết trong phục vụ hoạt động giám sát trực tiếp và đối chiếu với các báo cáo của các tổ chức chịu sự giám sát còn lại để có những đánh giá, kết luận giám sát phù hợp. Do đó, đề nghị Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước phải tiếp tục bổ sung số liệu, thống kê đầy đủ, chính xác,..

Qua thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn Giám sát, chuyên gia có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đây cũng là cơ sở quan trọng để Đoàn Giám sát tiếp thu, nghiên cứu tiếp tục làm việc với các cơ quan đơn vị và tổng hợp xây dựng Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trong thời gian tới. Báo cáo của Kiêm toán Nhà nước đã bám sát mục đích, yêu cầu, mục tiêu của Đoàn giám sát, đồng thời kịp thời bổ sung được nhiều thông tin, nội dung quan trọng, thiết thực… phục vụ cho hoạt động giám sát chuyên đề./.

 

Lê Anh - Phạm Thắng