PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: TĂNG CƯỜNG THANH TRA TRÁCH NHIỆM TIẾP CÔNG DÂN ĐỊNH KỲ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

27/06/2022

Làm việc với tỉnh Khánh Hòa ngày 27/6 về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, làm Trưởng đoàn, đề nghị tỉnh tăng cường thanh tra việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, để việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư không phải làm chức năng "bưu điện", không hình thức.

Phó Chủ tịch Trần Quang Phương: Giám sát không phải là việc "bới lông tìm vết"

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong giai đoạn 2016 - 2021, UBND các cấp, các cơ quan thuộc UBND các cấp địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tiếp hơn 12.800 lượt/hơn 9.700 vụ việc. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa có trụ sở tiếp công dân riêng. Toàn tỉnh chỉ có 9,8% cán bộ, công chức chueyen trách thực hiện tiếp công dân.

Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn thấp, trong đó của Chủ tịch UBND tỉnh là 36,7%, Chủ tịch UBND huyện là 12,7%, Chủ tịch UBND xã chỉ đạt 2,14%. Các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị cần làm rõ việc thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, “tiếp công dân” là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu các cấp chính quyền, nên phải được đưa vào đánh giá kết quả công tác cán bộ hàng năm, nếu không đánh giá được điều đó, công tác tiếp công dân có thể chỉ mang tính hình thức.

Cho ý kiến về trách nhiệm “tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu”, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, “nếu việc tiếp dân, xử lý đơn thư như hiện nay thì chúng ta chỉ làm chức năng “bưu điện”. Thực tế chúng tôi đi thanh tra, trách nhiệm ở đâu cũng thế, nhận đơn xong rồi chuyển mà không biết họ giải quyết thế nào”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Trả lời ý kiến các thành viên Đoàn Giám sát, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Vi phạm trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chúng tôi làm rất nghiêm, còn việc thanh tra công vụ Chủ tịch tiếp công dân thì đúng là chúng tôi còn thiếu sót”.

Cũng tại buổi giám sát, một số ý kiến khác đề nghị tỉnh Khánh Hòa quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kết nối dữ liệu trong lĩnh vực này, đồng thời đầu tư xây dựng Trụ sở tiếp công dân tỉnh cũng như trang thiết bị cho các phòng tiếp công dân.

Ông Đỗ Văn Đương, chuyên gia tham gia Đoàn Giám sát

“Phải kết nối phần mềm tỉnh, huyện để bảo đảm đồng chí chủ tịch tỉnh mà huyện nào, xã nào phát sinh khiếu kiện thì đồng chí đó phải ngồi mà nghe, hoặc lên trên này vì dân bao giờ cũng muốn gặp người đứng đầu, người đó mới giải quyết được” - ông Đỗ Văn Đương, chuyên gia tham gia Đoàn Giám sát phân tích.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh cho biết, có thể trong công việc còn có thiếu sót nhưng tư tưởng chỉ đạo là không bao che và phải có kỷ cương, kỷ luật.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh

 “Về cơ bản, chúng tôi rất đồng và xin tiếp thu, chỉ đạo UBND tỉnh phải giải quyết những việc liên quan đến tiếp dân, nhất là ở địa phương. Tình trạng này có lẽ sẽ phải rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc vì nếu không làm tốt ở cấp dưới sẽ có tình trạng dồn lên cấp trên”, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nêu rõ. Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành một Nghị định về xử lý hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, tỉnh Khánh Hòa không né tránh, không đổ lỗi cho khách quan trong thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao.

Thướng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận

Chia sẻ với địa phương về những khó khăn, bất cập về chính sách pháp luật, Trưởng đoàn Giám sát cũng đề nghị tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp trên địa bàn hiện nay như đất đai, môi trường; các khiếu nại, tố cáo liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng đối với các cơ quan tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi đề nghị người đứng đầu cơ quan hành chính, tư pháp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp công dân, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân và luật liên quan, cái nào tiếp theo luật tiếp công dân, cái nào theo luật tố tụng”.

Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở tiếp dân riêng của UBND tỉnh theo đúng quy định; Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tại các phòng tiếp công dân, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thống nhất phần mềm quản lý.

Thướng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn Giám sát để hoàn thiện lại báo cáo và gửi về Thường trực Đoàn Giám sát, trong đó báo cáo rõ hơn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người đứng đầu cả về chỉ đạo tiếp công dân và trực tiếp tiếp công dân; Đề xuất, kiến nghị cụ thể đổi với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật đối với cả các luật nội về và luật hình thức liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cũng tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát 5 vụ việc cụ thể, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết, xử lý khẩn trương quyết liệt, đúng pháp luật đối với 01 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp do địa phương tự rà soát và 07 vụ việc đông người trên địa bàn./.

Khắc Phục