TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT VIỆC XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC

29/03/2022

Nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc xây dựng và thi hành pháp luật liên quan đến công tác dân tộc để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

 

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 trong lĩnh vực tư pháp với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, với chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, thực hiện theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc hiện hành thông qua công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản có liên quan đến công tác dân tộc và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực có liên quan đến công tác dân tộc như trợ giúp pháp lý, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước,…

Đại diện Bộ Tư pháp nêu rõ, việc xây dựng, banh hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực tư pháp hiện nay gặp phải một số khó khăn, hạn chế cả về thể chế và thực tiễn thi hành. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc thiểu số và công tác dân tộc thiểu số có tính ổn định không cao, đặc biệt là các văn bản dưới luật quy định cụ thể chế độ, chính sách áp dụng đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều văn bản pháp luật về dân tộc được sửa đổi, bổ sung thường xuyên nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực hiện chính sách dân tộc đối với các vùng, miền hoặc đối tượng cụ thể.

Bên cạnh đó, đối tượng điều chỉnh của pháp luật về dân tộc có phạm vi rất rộng, bao gồm toàn bộ những quan hệ pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội liên quan đến các dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài những văn bản pháp luật điều chỉnh riêng đối với các dân tộc thiểu số, các vấn đề pháp luật còn được lồng ghép trong nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế,… Trong khi đó, việc thực thi chính sách dân tộc chưa thực sự hiệu quả, một số lĩnh vực thiếu tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Cơ chế bảo đảm cho việc thực thi chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số chưa được điều chỉnh ở tầm luật mà chỉ ở tầm chính sách hoặc ở văn bản dưới luật nên hiệu quả chưa cao.

Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc

Báo cáo cụ thể về những bất cập trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, một số yêu cầu liên quan đến việc đánh giá chính sách dân tộc trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể nên các bộ, cơ quan ngang bộ còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và Nghị định 154/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, một số nội dung mới liên quan đến việc thẩm tra chính sách dân tộc, hồ sơ có liên quan đến chính sách dân tộc theo quy định tại Điều 68a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 chưa được tập huấn đầy đủ dẫn đến việc còn lúng túng trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng như thẩm định về việc bảo đảm chính sách dân tộc.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, ngoài những bất cập trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại một số khó khăn trong việc quy định về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số và việc xác định dân tộc của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, hiện nay việc xác định người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Thông tư có nhiều nội dung không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nên dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cùng với đó, theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 04/2020/TT-BTP, “dân tộc” là một trong những thông tin hộ tịch của công dân cần được xác định và ghi nhận khi đăng ký khai sinh, ghi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh. Việc xác định và ghi tên dân tộc khi đăng ký khai sinh thực hiện theo Danh mục các dân tộc Việt nam ban hành kèm theo Quyết định số 121/TCTK/PPCĐ, trong đó có 54 dân tộc có tên gọi chính, mỗi tên gọi chính có nhiều tên gọi khác. Nhưng trên thực tế, việc xác định tên gọi cũng như ghi tên dân tộc trên các loại giấy tờ ở nhiều địa phương thực hiện chưa thống nhất, chưa đúng theo Danh mục này. Một số địa phương có một bộ phận người dân yêu cầu được xác định và ghi tên dân tộc không trùng với tên trong Danh mục.

Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, cùng với đó khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật nói chung và pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc nói riêng để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong quá trình ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản cần nghiêm túc thực hiện quy định khi đánh giá tác động xã hội trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đánh giá tác động của chính sách dân tộc./.

Minh Thành