CHỦ ĐỘNG RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRONG CÁC DỰ ÁN, DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

28/03/2022

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc vừa qua, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Uỷ ban Dân tộc chủ động rà soát những nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

 

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 trong lĩnh vực tư pháp với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Tư pháp nêu rõ, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, thực hiện theo dõi chung về tình hình thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc hiện hành thông qua công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản có liên quan đến công tác dân tộc và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực có liên quan đến công tác dân tộc như trợ giúp pháp lý, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước,…

Theo đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Trong đó đã sửa đổi, bổ sung điểm mới quan trọng liên quan đến quyền được trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời quy định rõ về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tư pháp đã ban hành 03 Nghị định, 03 Thông tư quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Nội dung của các Nghị định, Thông tư chủ yếu quy định về việc dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai phương thức đăng ký hộ tịch trực tuyến cho trẻ em, người dân sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện giao thông đi lại có nhiều khó khăn, cản trở việc thực hiện và công tác đánh giá chính sách dân tộc;…

Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo tại phiên họp

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 2324/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, huyện nghèo giai 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc luôn được Bộ triển khai thường xuyên, nghiêm túc đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình xây dựng và triển khai thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp luôn xác định một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gắn liền với việc bảo đảm thực hiện đầy đủ chính sách ưu tiên và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó, công tác ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đã giúp cho diện người dân tộc thiểu số được mở rộng, có hướng dẫn cụ thể về giấy tờ, chứng minh thuộc diện người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp cận thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý kịp thời khi có nhu cầu. Đồng thời, việc ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016-2020 từng bước cải thiện và nâng cao hiểu biết, nhận thức về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc của Bộ Tư pháp còn gặp một số khó khăn, hạn chế về thể chế cũng như trong thực tiễn thi hành. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc thiểu số và công tác dân tộc thiểu số có tính ổn định không cao, đặc biệt là các văn bản dưới luật quy định cụ thể chế độ, chính sách áp dụng đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; đối tượng điều chỉnh của pháp luật về dân tộc có phạm vi rất rộng, bao gồm toàn bộ những quan hệ pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội liên quan đến các dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số; việc thẩm tra chính sách dân tộc, hồ sơ có liên quan đến chính sách dân tộc còn lúng túng trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng như thẩm định về việc bảo đảm chính sách dân tộc.

Nhằm phát huy hiệu quả những kết quả đã được và khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc thời gian qua, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Uỷ ban Dân tộc chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và những nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự ám, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến công tác dân tộc.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng đề nghị Uỷ ban Dân tộc chủ trì xây dựng, ban hành hướng dẫn về đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Cùng với đó sớm trình Chính phủ thông qua Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và Danh mục các dân tộc Việt Nam” để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện thống nhất./.

Minh Thành

Các bài viết khác