CẦN BỐ TRÍ NGÂN SÁCH ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC Y TẾ DÂN TỘC

29/03/2022

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội bố trí ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến công tác dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực y tế.

 

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 trong lĩnh vực y tế với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Y tế nêu rõ, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế không ban hành văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc cũng như các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, các chế độ chính sách liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực y tế được quy định trong nhiều văn bản và trong chính sách chung về y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành 276 văn bản. Trong đó có Luật Dược, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; các nội dung liên quan đến Luật Bảo hiểm y tế được quy định chi tiết trong các Nghị định của Chính phủ, các quy định trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Bộ,…và chủ yếu là một số Thông tư hướng dẫn chi tiết liên quan đến lĩnh vực dân số. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư có liên quan đến công tác dân tộc là Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH và Thông tư số 45/2018/TT-BYT. Các Thông tư trên chủ yếu quy định các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số và hồ sơ, trình tự thủ tục để lập dự toán, quyết toán đối với kinh phí hỗ trợ phụ nữ nghèo. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến bảo hiểm y tế, y tế cơ sở, chuẩn đoán điều trị trước sinh, cộng tác viên dân số, chức năng nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản,…

Đại diện Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện nhiều đề án, chiến lược, chính sách quốc gia liên quan đến công tác dân tộc về dân số, kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ bà mẹ trẻ em và bảo hiểm y tế. Cụ thể, lĩnh vực bảo hiểm y tế và triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn đã được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP năm 2018 về bảo đảm ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã chú trọng lồng ghép trong các văn bản, thông tư quy định về các gói y tế cơ sở, trong đó có gói dịch vụ y tế cơ bản đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo để bảo đảm quyền, lợi ích, tăng cường sức khoẻ của người dân tại vùng khó khăn;… Đồng thời ban hành một số Thông tư quy định các nội dung chuyên môn về việc bảo đảm sức khoẻ người dân, trong đó có nội dung về bảo đảm sức khoẻ cho phụ nữ, chăm sóc sức khoẻ trẻ em, chăm sóc sức khoẻ điều trị trước sinh cũng như chăm sóc bà mẹ mang thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Theo đại diện Bộ Y tế, về cơ bản các văn bản do Bộ tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cơ quan, tổ chức và công dân liên quan đến y tế và công tác dân tộc, thực hiện thành công Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2016 và định hướng đến năm 2035. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế cũng chú trọng lồng ghép yếu tố dân tộc trong một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp như lĩnh vực y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, dân số,.. Các nội dung liên quan đến công tác dân tộc bảo đảm được triển khai quán triệt trong quá trình từ xây dựng văn bản đến tổ chức triển khai, phổ biến tuyên truyền và phát triển thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, Bộ Y tế cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách liên quan đến công tác dân tộc, trong đó chú trọng kiểm tra y tế cơ sở tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, các nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật cho các đối tượng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã bố trí ngân sách cũng như tổ chức chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dân số, chương trình đã thu hút được nguồn lực đáng kể để tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế ban hành tới đối tượng là dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách đều là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, địa bàn rộng, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi không biết tiếng phổ thông nên công tác trực tiếp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương còn hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ tuyên truyền phổ biến giáo dục ở địa phương còn mỏng dẫn đến việc gặp nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, guồn kinh phí đảm bảo địa phương để chi trả cho đối tượng của một số tỉnh, thành phố để thực hiện chính sách hiện nay còn eo hẹp, có tỉnh chưa tự cân đối bằng nguồn ngân sách đảm bảo địa phương dẫn đến việc thực hiện chính sách chưa kịp thời. Hiện nay, quy định của pháp luật về vấn đề bảo đảm, quan tâm đến yếu tố dân tộc trong khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Một số cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo địa phương chưa đánh giá đúng vị trí của công tác dân số nên chưa chỉ đạo quyết liệt dẫn đến việc triển khai thực hiện chính sách ở địa phương còn bị gián đoạn, chưa kịp thời.

Nhấn mạnh đặc điểm công tác dân tộc có tính lồng ghép, đan xen trong các chính sách chung, đại diện Bộ Y tế cho rằng cần có hướng dẫn cũng như trách nhiệm lồng ghép yếu tố dân tộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chủ trì, soạn thảo để thực hiện tốt hơn nữa trong quá trình từ khâu ban hành văn bản cho đến khâu thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung này.

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác y tế dân tộc, đại diện Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát, trong đó giám sát từ khâu ban hành văn bản đến quá trình tổ chức thực thi pháp luật. Cùng với đó xem xét bố trí ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến công tác dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực y tế./.

Minh Thành