Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường báo cáo tại phiên họp
Tham dự buổi làm việc có nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung, các Ủy viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Đoàn Giám sát; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; Thiếu tướng Ngô Thanh Hải – Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng cùng đại diện các vụ, cục, đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, Bộ Tư pháp.
Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2021 không có văn bản Luật của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước (trong đó có cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc); về chế độ tiền lương và phụ cấp, chính sách tuyển dụng, đề bạt bổ nhiệm, công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, chính sách thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi; về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố là người dân tộc thiểu số ở địa bàn đặc biệt khó khăn;…
Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo tại phiên họp
Đối với lĩnh vực tư pháp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc hiện hành thông qua công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản có liên quan đến công tác dân tộc và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực có liên quan đến công tác dân tộc như trợ giúp pháp lý, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước…Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tư pháp đã ban hành 03 Nghị định, 03 Thông tư quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc.
Liên quan đến các văn bản ban hành để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Quyết định 2324/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, huyện nghèo giai 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.
Đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực quốc phòng
Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực quốc phòng, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, trong giai đoạn 2016-2021 có 08 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành liên quan đến công tác dân tộc giao Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện. Cùng với đó, 09 văn bản do Bộ Quốc phòng ban hành có liên quan đến công tác dân tộc. Các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần quan trọng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Đại diện Bộ Công an báo cáo tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 09 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Trong đó, Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội ban hành 01 Luật, chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an có liên quan đến công tác dân tộc.
Theo đó, quá trình xây dựng, ban hành các văn bản đều thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội đối với công tác dân tộc, người dân tộc thiểu số và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân là người dân tộc thiểu số. Các văn bản ban hành phù hợp, thống nhất với Hiến pháp, Luật Công an nhân dân, Luật Giáo dục đại học, các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức cán bộ, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có nội dung liên quan đến công tác dân tộc hiện hành và bảo đảm tính khả thi, ổn định cao.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc cơ bản đồng tình với báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về tiến độ thực hiện công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quá trình triển khai hỗ trợ thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,.. đồng thời đề nghị các Bộ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp, tính khả thi của các chính sách.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc
Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Bộ Nội vụ, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết về cơ bản, báo cáo đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của Đoàn Giám sát. Là cơ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới 07 lĩnh vực Bộ quản lý. Đi vào vấn đề cụ thể, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, báo cáo của Bộ Nội vụ chưa thể hiện được việc ban hành văn bản do Bộ ban hành chậm bao nhiêu thời gian so với quy định và chưa có phần đánh giá theo nội dung giám sát được quy định trong Điều 163 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu rõ, khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định Thông tư là biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ và cơ quan ngang Bộ, tuy nhiên, giai đoạn 2016-2021, Bộ Nội vụ không ban hành Thông tư nào liên quan đến lĩnh vực dân tộc. Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Trần Thị Dung đề nghị Bộ Nội vụ cần làm rõ, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có chậm hay không, nếu có thì chậm bao lâu so với hiệu lực của văn bản giao quy định chi tiết.
Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng phần nhận xét đánh giá theo nội dung giám sát được quy định trong Điều 163 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 của Bộ còn rất chung chung, chưa rõ ràng, việc tác động ảnh hưởng do chậm ban hành văn bản cũng chưa được đánh giá. Do đó đề nghị Bộ Tư pháp cần báo cáo bổ sung nội dung theo quy định tại Điều 163 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, đồng thời đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc ban hành văn bản chậm đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đại biểu Ma Thị Thuý – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản
Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thuý – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng các chính sách do Bộ Nội vụ ban hành đã đi vào thực tiễn cuộc sống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhấn mạnh việc vẫn còn văn bản ban hành chậm đến 15 năm 4 tháng so với hiệu lực của Luật, do đó đại biểu Ma Thị Thuý đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản, đồng thời bám sát yêu cầu của Đoàn Giám sát để hoàn thiện báo cáo.
Đối với báo cáo của Bộ Công an, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Công an cần làm rõ hơn về những hạn chế, nguyên nhân đang tồn tại trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để góp phần hoàn thiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời rà soát lại một số văn bản chưa được ban hành quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Công an nhân dân.
Đối với lĩnh vực quốc phòng, thành viên Đoàn giám sát ghi nhận các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc do Bộ chủ trì tham mưu ban hành và ban hành kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng đối với công tác quân sự, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Quốc phòng cần làm rõ các số liệu để rà soát các văn bản ban hành chậm so với quy định luật. Cùng với đó rà soát các văn bản không liên quan trực tiếp đến công tác dân tộc thì không đưa vào báo cáo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành kết luận nội dung làm việc
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và cụ thể hoá những nội dung quy định trong Luật, các Nghị quyết của Quốc hội để chính sách đi vào thực tiễn. Nhấn mạnh nguyên tắc của chính sách pháp luật bảo đảm người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền bình đẳng như các dân tộc khác trên quy định của pháp luật, chính sách pháp luật phải tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được quyền tiếp cận và hưởng những quyền thực thi pháp luật đó, do đó Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bốn Bộ tiếp tục đánh giá tính phù hợp, khả thi của các chính sách để góp phần đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh Hiến pháp năm 2013 đã quy định khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc, tuy nhiên, trên thực tế có tình trạng một số bộ, ngành khi xây dựng chính sách không lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc, do đó đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn về quy trình lấy ý kiến đối với chính sách dân tộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an không đưa những văn bản quy phạm pháp luật không liên quan trực tiếp đến công tác dân tộc vào báo cáo. Đồng thời đề nghị hai Bộ tiếp tục rà soát, kiểm đếm, bổ sung trong báo cáo những nội dung của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Biên phòng, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Đầu tư… có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.