Khó đánh giá chất lượng tuyển dụng, bổ nhiệm vì thiếu... “ba rem”

14/05/2013

Sáng 13-5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với TP Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC)”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm Trưởng đoàn.

Tỷ lệ thu hút nhân tài chỉ đạt 10%

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đối với các kỳ thi CCVC, UBND TP đều ban hành kế hoạch tuyển dụng từ cấp xã theo qui định. TP cũng ban hành các chính sách về quản lý, bồi dưỡng, đào tạo CBCC,VC theo yêu cầu nguồn nhân lực TP theo từng giai đoạn; có chính sách thu hút, sử dụng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm 2012, TP đã triển khai Đề án thí điểm đào tạo công chức nguồn chất lượng cao để bổ sung công chức trẻ được đào tạo cơ bản cho đội ngũ công chức cấp xã, phường và thay thế cho đội ngũ công chức hành chính đến tuổi nghỉ hưu tại các cơ quan hành chính cấp quận, huyện, sở, ngành.

Tuy nhiên, Hà Nội phản ánh, việc chưa có văn bản của Trung ương hướng dẫn thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan Nhà nước gây khó khăn cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, nâng ngạch CBCC,VC.

Nội dung và hình thức tuyển dụng theo qui định mới còn nhiều bất cập, dễ nảy sinh tiêu cực, số lượng môn thi nhiều, đặc biệt môn thi chuyên ngành theo yêu cầu vị trí việc làm rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện do số lượng, tổ chức tốn kém, chưa hiệu quả, chưa chọn được những người thực sự có năng lực vào các cơ quan nhà nước.

Số lượng người dự tuyển ở các kỳ thi quá lớn (khoảng 3.000 thí sinh/kỳ dự thi công chức hành chính, thi viên chức giáo dục quận huyện khoảng 8.000 thí sinh/đợt) trong khi chỉ tiêu tuyển dụng chi khoảng 1/5 nên gây áp lực, tính cạnh tranh cao, tiêu cực trong thi tuyển như sử dụng bằng giả (đã phát hiện ra 30 bằng giả tại một kỳ thi tuyển dụng tại huyện Ứng Hòa).

Mặc dù TP đã có chính sách tuyển dụng đặc cách không qua thi đối với một số đối tượng theo qui định của pháp luật như thủ khoa xuất sắc, người tốt nghiệp đại học loại giỏi ở nước ngoài.. nhưng số lượng tuyển dụng được ít. Trong ba năm tuyển dụng được 143 người, chiếm 10% tổng số tuyển đầu vào của các cơ quan TP mà nguyên nhân là do chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý, chế độ tiền lương áp dụng theo quy định chung của Nhà nước….

Sẽ thi tuyển lãnh đạo

Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý đặt câu hỏi, hiện chất lượng thi tuyển cán bộ công chức của Hà Nội đạt được bao nhiêu phần trăm, CBCC làm việc thực sự hiệu quả được bao nhiêu phần trăm, Vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng CBCC,VC của Hà Nội ở mức độ nào, đã có biện pháp khắc phục ra sao?

Về việc Hà Nội chỉ cho tuyển CBCC với những người có hộ khẩu Hà Nội có đúng với quy định của Luật Cán bộ công chức hay không, đại biểu Ngô Văn Minh thắc mắc: “Căn cứ vào đâu và tại sao Hà Nội phải có hộ khẩu mới được tham dự tuyển dụng CBCC? Tại sao Hà Nội chưa tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo…như một số tỉnh, thành phố khác?”...

Cũng theo ông Minh, số liệu mà Hà Nội báo cáo, chỉ riêng cấp xã đã có hơn 2.000 CBCC chưa qua đào tạo chuyên môn, hơn 11.000 CBCC chưa qua đào tạo sơ cấp, trung cấp chính trị, “ là con số đáng ngại”. Trong khi gần 700 chỉ tiêu của năm 2010-2011 chưa tuyển đủ, nghỉ chế độ có 1.200 người nhưng trong ba năm CBCC cấp huyện của Hà Nội đã tăng 3.500 dù năm 2012 Hà Nội không tuyển công chức hành chính.

Trả lời những thắc mắc trên, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, Hà Nội đã thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý nhưng chưa toàn diện. Hiện Hà Nội đang giao các cơ quan nghiên cứu có phương án thi từ chức danh Phó Giám đốc trở xuống và năm 2013 sẽ tiến hành thí điểm.

Về vấn đề xác định chất lượng hiệu quả đội ngũ CBCC, ông Sáng cho biết, tính đến thời điểm này vẫn chưa có ba rem, qui chuẩn, nhất là định mức sản phẩm của mỗi chức danh CBCC tại vị trí việc làm mà mới chỉ dựa vào bằng cấp nên chưa thể đánh giá cụ thể chất lượng tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm.

Hà Nội đã báo cáo về việc thực hiện thí điểm Đề án hành chính việc làm (được coi là ba rem để đánh giá chất lượng CBCC) và đã được Bộ Nội vụ chấp thuận.

Về vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng, ông Sáng cho rằng “chỉ là hiện tượng, dư luận”. Hà Nội chỉ phát hiện ra một trường hợp tại huyện Ứng Hòa (anh em quen biết, nhờ vả nhau). Trong năm 2010-2011 đã xét tuyển được 13.000 viên chức giáo dục, “hầu như không có tiêu cực”!

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, việc Hà Nội sát nhập với Hà Tây và một số xã của Vĩnh Phúc, Hòa Bình khiến công tác quản lý, bố trí, tuyển dụng CBCC,VC gặp rất nhiều khó khăn.

Song bà Ngọc cho rằng “Hà Nội luôn cố gắng thực hiện tốt và sáng tạo để các quy định đi vào khuôn khổ, đặc biệt không bao giờ dung túng cho những hành vi tiêu cực trong lĩnh vực này.”

Theo ông Sáng, Hà Nội không hạn chế việc tiếp nhận thi tuyển công chức với người ngoại tỉnh, nhưng vì nguồn của Hà Nội quá đông nên đưa ra mức trần này để giảm bớt tính phức tạp. Biên chế công chức của Hà Nội tăng cao, chủ yếu là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh tra xây dựng, giao thông…

Phải bịt lỗ hổng tiêu cực trong tuyển dụng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá cao việc Hà Nội triển khai thực hiện pháp luật về CBCC,VC một cách bài bản, tập trung phát huy những thế mạnh và khắc phục hạn chế, khó khăn do việc sát nhập, mở rộng Thủ đô.

Mặc dù còn nhiều vấn đề đoàn giám sát đặt ra với TP nhưng với thực trạng trong công tác CBCCVC của Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát đề nghị TP Hà Nội tiếp tục triển khai việc thi hành các qui định của pháp luật về CBCC,VC.

Hà Nội cần rà soát lại những qui định pháp luật về xác định vị trí việc làm để có căn cứ xác định biên chế, chất lượng CBCC,VC và cần làm trước việc này vì hiện các địa phương cũng rất lúng túng.

Hà Nội cũng cần tiếp tục cải tiến nội dung, hình thức tuyển dụng, đặc biệt là chất lượng tuyển dụng, khắc phục tồn tại, vướng mắc, tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

Theo ông Lý, lĩnh vực tuyển dụng, bổ nhiệm CBCC,VC còn nhiều lúng túng, ẩn chứa nhiều tiêu cực dù chưa có bằng chứng cụ thể để khẳng định là có. Hà Nội cũng nên cần có giải pháp cụ thể để “bịt các lỗ hổng” để có thể sớm khẳng định “không có chuyện tiêu cực”.

HƯƠNG NGUYÊN

(http://www.nhandan.com.vn/)