Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại TP Hồ Chí Minh

09/04/2013

Từ ngày 8 - 10.4, Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của UBTVQH làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi làm Trưởng đoàn.

Thực hiện Nghị quyết số 40 của QH, từ năm học 2001 - 2002, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đến nay đã hoàn thành đổi mới chương trình, sách giáo khoa cấp THCS và THPT. Mỗi năm, ngân sách thành phố chi thường xuyên cho giáo dục bình quân gần 1.000 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, bảo đảm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng hiện đại và hội nhập. Hiện nay, các trường trung học trên địa bàn đều có phòng thực hành thí nghiệm, phòng máy tính nối mạng, phòng thiết bị nghe nhìn với trang thiết bị hiện đại; nhiều trường đã xây dựng các phòng học bộ môn với thiết bị dạy học tiên tiến. Thư viện trường học ngày càng khang trang, có đủ sách cho giáo viên và học sinh tham khảo…

Tuy nhiên, tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia của TP Hồ Chí Minh thấp, bậc tiểu học chưa tới 10%, nguyên nhân chính là do diện tích tính trên học sinh quá thấp, sĩ số học sinh/lớp đông, có nơi lên tới 50 học sinh/lớp; tỷ lệ giáo viên/lớp cũng chưa đạt yêu cầu, có nơi chỉ đạt 1,1 giáo viên/lớp (trường dạy 1 buổi/ngày), 1,2 giáo viên/lớp (trường dạy 2 buổi/ngày). Phần lớn giáo viên trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng không chuyên ngành sư phạm, chỉ học bổ sung lớp nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn, nên hạn chế về năng lực sư phạm, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Về chương trình, sách giáo khoa, mặc dù thành phố đã triển khai các giải pháp giảm tải nhưng với điều kiện học tập 1 buổi/ngày phổ biến như hiện nay, chương trình học vẫn còn khá nặng, tính lý thuyết, hàn lâm cao, chưa thể hiện tính tích hợp cũng như tính ứng dụng cao. Vì vậy, thành phố đề nghị, chương trình mới cần tích hợp nội dung để giảm môn học, phù hợp với khả năng của học sinh. Sách giáo khoa cần nghiên cứu, chọn lọc những nội dung cơ bản, cần thiết, hợp chuẩn kiến thức và kỹ năng theo chương trình. Cần xác định rõ quan điểm xây dựng chương trình nâng cao theo chiều sâu, bảo đảm học sinh nắm vững kiến thức và kỹ năng trên nền tảng của chuẩn chương trình. Nên cho phép giáo viên và các nhà khoa học có trình độ và tâm huyết được viết thêm một số sách giáo khoa có chất lượng để giáo viên và học sinh chủ động lựa chọn sử dụng khi giảng dạy và học tập.

Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo người dân trên địa bàn. Đoàn giám sát đề nghị thành phố nghiên cứu thêm để có lập luận thuyết phục cho việc lựa chọn một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Với các tiêu chí xếp hạng trường chuẩn quốc gia, có thể xem xét lại tiêu chí về diện tích để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng không thể bỏ qua các tiêu chí về đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp học…, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục. TP Hồ Chí Minh cũng nên xem xét phát triển mô hình giáo dục chất lượng cao, cả trong hệ thống các trường công lập và ngoài công lập, để vừa huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao của người dân thành phố.

Sau khi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát thăm và làm việc với một số cơ sở giáo dục thuộc nhiều mô hình khác nhau trên địa bàn.

Ng. Anh

(http://www.daibieunhandan.vn/)