Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, thực hiện pháp luật liên quan đến công tác tuyển dụng, đào đạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Cán bộ, Công chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, thì các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm; trong khi có những nội dung phải sửa đổi, bổ sung gây lúng túng trong việc triển khai thực hiện.
Tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị với QH, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước; sớm có văn bản hướng dẫn hệ thống danh mục các chức danh nghề nghiệp và việc phân hạng chức danh nghề nghiệp để thực hiện. Tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ có chế độ, chính sách để giải quyết cho thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp xã có thời gian công tác lâu năm nhưng không đủ điều kiện hoặc tiêu chuẩn để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cần bổ sung thêm chức danh Phó trưởng Công an, Phó chỉ huy trưởng Quân sự và Thủ quỹ - Văn thư, lưu trữ vào danh mục công chức cấp xã; sớm sửa đổi việc phân cấp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý của ngành giáo dục theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Thừa Thiên Huế; đồng thời ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh về những tồn tại, bất cập trong thực thi pháp luật ở cơ sở. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ có những đề xuất với Chính phủ, QH có những quyết sách phù hợp hơn trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.