Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, đến hết tháng 12/2012, toàn tỉnh có 77.418 cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế do UBND tỉnh quản lý; trong đó có 4.164 cán bộ công chức hành chính, 60.205 viên chức sự nghiệp và 13.051 cán bộ, công chức cấp xã. Giai đoạn 2010-2012, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa Luật Cán bộ, công chức; Luật viên chức; Nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về tuyển dụng, đào tạo, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được thực hiện trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và chỉ tiêu biên chế được giao; quy trình tuyển dụng đảm bảo công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Công chức, viên chức được tuyển dụng đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, có trình độ, chuyên ngành đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện chính sách thu hút người có trình độ đại học chính quy trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn đối với 5 chức danh công chức. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tuyển dụng được 1.679 học sinh, sinh viên có trình độ đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn, tạo bước đột phá trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức xã, đảm bảo về số lượng, năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng thiết thực, phục vụ trực tiếp yêu cầu công vụ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cán bộ được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu hợp lý. Tỉnh đã bám sát các quy định của pháp luật để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm, luân chuyển đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế. Số cán bộ, công chức, chủ yếu là cán bộ cấp xã thuộc các huyện miền núi, vùng cao chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ còn trên 15%, chưa qua đào tạo lý luận chính trị là 11%. Kinh nghiệm quản lý Nhà nước của đội ngũ cán bộ trẻ ở cơ sở còn hạn chế, một số cán bộ, công chức thuộc các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa biết tiếng dân tộc nên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận với đồng bào dân tộc tại địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chất lượng chưa cao, một bộ phận chưa qua bồi dưỡng về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và kỹ năng tác nghiệp, việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo còn bất cập. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ, người dân tộc, tôn giáo, trẻ tuổi thuộc HĐND, UBND còn thấp. Một số cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình tại địa phương, đơn vị chuyển đến...
Để các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức và bầu cử cán bộ có hiệu quả hơn, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Trung ương cần quy định việc tổ chức thi tuyển công chức cấp xã theo cụm thay vì từng huyện tổ chức như hiện nay. Cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường chuyên nghiệp làm cơ sở cho việc tuyển dụng công chức, viên chức. Việc bố trí số lượng, cơ cấu thành viên UBND các cấp cần lưu ý đến điều kiện đặc thù vùng miền, dân tộc, tôn giáo, tốc độ phát triển kinh tế để đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành và quản lý. Bộ Nội vụ nên phân cấp cho các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh để việc tổ chức thực hiện được thuận lợi, hiệu quả hơn. Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế, đồng thời sớm có hướng dẫn về việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Thanh Hóa đã đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bầu cử, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời lưu ý Thanh Hóa là tỉnh rộng, số đơn vị hành chính, sự nghiệp nhiều, đội ngũ cán bộ công chức đông. Ngoài việc khắc phục những hạn chế đã nêu, Thanh Hóa cần tập trung quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ cho vùng miền núi, vùng dân tộc. Có chính sách hợp lý thu hút cán bộ, công chức giỏi đến những vùng này. Tỉnh cũng cần chú trọng đến công tác tuyển dụng cán bộ để không bỏ sót người tài giỏi. Trước mắt cần thực hiện tốt các chính sách, hướng dẫn của Nhà nước đối với việc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ đến vùng khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ ngành y tế và giáo dục nhằm giảm dần khoảng cách giữa miền xuôi và miền núi./.