SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN PHẢI TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

24/03/2020

Tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Thường trực Ủy ban thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ nguyên tắc, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung

Về nội dung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần rà soát để bảo đảm đúng ý nghĩa của tinh thần Hiến pháp: công khai, minh bạch, tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con. Có ý kiến đề nghị cần phải đánh giá tác động, giải trình, làm rõ hơn về cơ sở đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cần cân nhắc thận trọng trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để bảo đảm thực chất, tạo điều kiện thuận lợi và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho nhà đầu tư và tuân thủ theo khoản 1 Điều 7 dự án Luật.

Đối với vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án Luật đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 7, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét trên cơ sở 04 tiêu chí sau: Các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; Các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh; Các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau: Kinh doanh nước sạch; sản xuất kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, thiết bị liên quan và kinh doanh dịch vụ sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện siêu nhẹ; xăm hình vĩnh viễn; mai táng và bảo quản hài cốt; kinh doanh nghĩa trang; những vấn đề có liên quan đến tâm linh, tổ chức sự kiện cưới xin, ma chay; kiểm nghiệm thuốc thú y; chăm sóc người cao tuổi, cơ sở xét nghiệm HIV, trung tâm điều trị trẻ tự kỷ.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đề xuất bổ sung một số ngành, nghề nêu trên chưa làm rõ được nội dung, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát sự cần thiết, đánh giá tác động một số loại hình để xem xét việc bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng liên quan tới nội dung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, về những ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đa số ý kiến đại biểu nhất trí bổ sung quy định về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Có ý kiến đề nghị cần quy định nguyên tắc xác định ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Một số ý kiến đề nghị cần phải rà soát, đối chiếu kỹ với các cam kết quốc tế có liên quan; cần quy định Danh mục về tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài tại dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể loại địa bàn hạn chế đầu tư nước ngoài tại dự án Luật và giao Chính phủ cụ thể hoá thành Danh mục.

Đối với nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, dự án Luật đã tiếp thu, bổ sung khoản 3 Điều 9 quy định căn cứ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài để Chính phủ công bố ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời giao Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo các FTA và Hiệp định Đầu tư song phương cùng các cam kết khác có thể thay đổi hoặc sẽ đàm phán trong tương lai.

Ngoài những nội dung cụ thể của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều nội dung cụ thể khác và chỉnh lý kỹ thuật văn bản, xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật./.

Hồ Hương