TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VIỆC ĐƯA HỘ KINH DOANH VÀO LUẬT DOANH NGHIỆP HAY XÂY DỰNG LUẬT RIÊNG

23/03/2020

Phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 23/3 góp ý cho dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Việc hộ kinh doanh có nằm trong Luật Doanh nghiệp hay cần có một Luật riêng sẽ được trình lên Quốc hội thảo luận, quyết định.

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 43, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa của dự án Luật).

Về vấn đề trên hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để có một chương quy định đầy đủ về hộ kinh doanh.


Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Báo cáo số 73/BC-CP, Chính phủ cho rằng, nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo luật không phải là nội dung mới. Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014 đã có 01 khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật lần này chỉ là bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Loại ý kiến thứ 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì:  Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, không thể quy định bằng Nghị định. Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Việc quy định hộ kinh doanh vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Các nội dung từ Chương 1 đến Chương 8 của dự thảo Luật mới quy định đối với loại hình doanh nghiệp mà quy định cho hộ kinh doanh. Số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã. Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ 2.

Đóng góp ý kiến về vấn đề trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Thứ nhất, về tư cách chủ thể của hộ kinh doanh, trước đây Bộ Luật Dân sự của Việt Nam vẫn duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, độc lập với tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, theo Điều 101 và Điều 104 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, Quốc hội đã quyết định bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, chỉ còn duy trì tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Theo đó, tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ được quy về cá nhân và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó.

Như vậy, nếu Luật Doanh nghiệp vẫn duy trì khái niệm hộ kinh doanh thì phải quy về quan hệ giữa cá nhân và hộ kinh doanh. Trong hộ kinh doanh có quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó. Việc duy trì tư cách chủ thể của hộ kinh doanh nguyên trạng như hiện nay là sự mâu thuẫn chồng chéo giữa pháp luật dân sự. Vấn đề này cần phải được giải quyết sớm và ở tầm văn bản luật, mà không thể quy định ở cấp Nghị định. Bởi đây là sự không thống nhất giữa hai văn bản pháp luật là Bộ Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp, mà cả hai văn bản đều do Quốc hội ban hành.


Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Hai là, phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cũng nêu hộ kinh doanh phải quy về hình thức cá nhân kinh doanh hoặc pháp nhân kinh doanh để phù hợp với Bộ Luật Dân sự nên phải đưa về Luật Doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Từ năm 1999, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về hộ kinh doanh và Chính phủ đã có Nghị định hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh. Trải quan 2 lần sửa đổi, Chính phủ vẫn tiếp tục đăng ký hộ kinh doanh và không có gì thay đổi. Vì thế, việc điều chỉnh tư cách chủ thể hộ kinh doanh lần này là luật hóa các quy định hợp lý và ổn định trong Nghị định của Chính phủ trong suốt 20 năm qua.

Ba là, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ giúp chuẩn hóa và tăng cường vị thế pháp lý của các hộ kinh doanh. Nhu cầu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng đã được Nhà nước ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hộ kinh doanh không được cho là doanh nghiệp nên không được thụ hưởng các chính sách này, nên điều này là không hợp lý. Thêm vào đó, hiện có nhiều các quy định đang hạn chế thương quyền của các hộ kinh doanh. Ví dụ như hộ kinh doanh chỉ được tuyển dụng không quá 10 lao động, hay chỉ được hoạt động tại 01 địa điểm. Các quy định pháp luật khác cũng không cho phép hộ kinh doanh triển khai các hoạt động kinh doanh theo quy định chung. Đây là những hạn chế bất bình đẳng với các hộ kinh doanh khiến họ khó phát triển.

Bốn là, nội dung quy định pháp luật của hộ kinh doanh gồm 2 chế định lớn điều chỉnh 2 nhóm quan hệ xã hội của doanh nghiệp. Thứ nhất là mối quan hệ giữa các thành viên nội bộ giữa các hộ doanh nghiệp. Thứ hai là mối quan hệ giữa hộ kinh doanh và chủ thể ở bên ngoài.

Về bản chất, hộ kinh doanh được quy về cá nhân và quan hệ giữa các cá nhân thì nhóm quan hệ xã hội thứ nhất sẽ không có nhiều vấn đề phải giải quyết. Đối với nhóm quan hệ xã hội thứ hai chỉ còn nội dung đăng ký kinh doanh, quyền và nghĩa vụ chung đăng ký kinh doanh, thủ tục kinh doanh, giải thể, tạm ngừng hoạt động, chuyển đổi kinh doanh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu xây dựng một Luật riêng về hộ kinh doanh thì đạo luật này sẽ bao gồm một vài điều về quyền, nghĩa vụ chung của hộ kinh doanh; một vài điều về tư cách chủ thể của hộ kinh doanh, đăng ký lại, giải thể, tạm ngừng hoạt động... Với lượng nội dung không nhiều, việc xây dựng một Luật riêng là không cần thiết, mà chỉ nên tích hợp xây dựng 01 chương trong Luật Doanh nghiệp như phương án mà Chính phủ đã trình. Hơn nữa, việc xây dựng một Luật riêng đòi hỏi cần có thời gian nghiên cứu, xem xét kéo dài, trình thủ tục phức tạp, không kịp thời đáp ứng yêu cầu tháo bỏ những rào cản hỗ trợ các hộ kinh doanh cũng như đảm bảo khắc phục sự thiếu nhất quán giữa hệ thống các luật.

Năm là, liên quan đến hệ thống pháp luật về thuế, trong Luật Quản lý thuế hiện hành vẫn có quy định riêng về hộ kinh doanh và cho phép hộ kinh doanh được hưởng thuế khoán. Luật Quản lý thuế năm 2019 đã giải quyết vấn đề này một cách tương đối rõ ràng, triệt để, đã quy định mã số thuế cấp cho hộ kinh doanh chính là mã số thuế của các cá nhân, đại diện hộ kinh doanh. Như vậy, Luật Quản lý thuế đã quy tư cách chủ thể của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Đây là thực tiễn áp dụng nhiều năm của ngành thuế. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động, đáp ứng cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ thì không được hưởng thuế khoán mà phải thực hiện theo chế độ kế  toán và thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai. Như vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp không phải là bắt các hộ kinh doanh kê khai và nộp thuế như doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh có dưới 10 lao động và có doanh thu dưới 3 tỷ đồng trong lĩnh vực sản xuất và dưới 10 tỷ đồng trong lĩnh vực thương mại thì vẫn được hưởng thuế khoán như bình thường. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng phù hợp với pháp luật về thuế và không tạo ra biến động về thuế đối với các hộ kinh doanh này. Thậm chí nếu xét về thuế, các hộ kinh doanh còn có lợi thế hơn các doanh nghiệp.

Thứ sáu, theo thông lệ quốc tế, ở các nước trên thế giới không có quy định riêng về hộ kinh doanh mà chỉ có xác định chủ thể kinh doanh dưới 02 hình thức cá nhân và pháp nhân. Hộ kinh doanh thông qua vai trò của cá nhân chủ hộ là một đối tượng điều chỉnh. Nếu Việt Nam chủ trương xây dựng một Luật riêng về hộ kinh doanh thì sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đạo luật về hộ kinh doanh. Ngoài ra, cũng không nên có quan niệm rằng, có thể xây dựng một Luật riêng về hộ kinh doanh như Luật Hợp tác xã vì hợp tác xã khác với doanh nghiệp. Ở nhiều nước trên thế giới có Luật Hợp tác xã nhưng không ở đâu có Luật về hộ kinh doanh.

Từ những phân tích trên, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị: Việc đưa chế định về hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là phương án phù hợp nhất và có thể làm ngay trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tới đây. Điều này sẽ tạo sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật dân sự, phù hợp với sự phát triển của nước ta và thông lệ quốc tế; góp phần tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển lành mạnh, hiệu quả, đóng góp vào nền kinh tế. Quy định này cũng tạo sự thống nhất pháp luật về quản lý thuế, không gây khó khăn, thậm chí còn tạo điều kiện thuận lợi hơn về thuế cho các hộ kinh doanh.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đứng ở cơ quan quản lý cấp Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhưng hoạt động gần giống như doanh nghiệp siêu nhỏ. Đến nay, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và Ủy ban Kinh tế cho rằng cần luật hóa việc về hộ kinh doanh tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chưa nên đưa hộ kinh doanh vào một trong một Luật riêng được vì cần thêm thời gian nghiên cứu. Hiện tại nên đưa hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp vì điều này có lợi cho các hộ kinh doanh và có lợi cho nền kinh tế, không chồng chéo với các luật khác.

Cần nghiên cứu có một Luật riêng về hộ kinh doanh

Đóng góp ý kiến về hộ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu quan điểm: Hộ kinh doanh của Việt Nam khác với doanh nghiệp các nước khác. Hoạt động của hộ kinh doanh rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục. Vì thế, không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mà nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể một cách linh hoạt. Nếu có chính sách nào mà các doanh nghiệp khác được thụ hưởng và hộ kinh doanh không được thì chúng ta có thể chỉnh sửa, bổ sung theo quy định của Nhà nước.  

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, hộ kinh doanh được tồn tại dưới các thành phần kinh tế khác nhau và nên được hướng dẫn riêng bằng một Nghị định của Chính phủ sao cho linh hoạt theo mức độ hoạt động đa dạng, linh hoạt của doanh nghiệp.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quan điểm cần có một Luật riêng về hộ kinh doanh.

Bày tỏ quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì không đúng. Hiện nay, hộ kinh doanh cũng được một số Luật khác điều chỉnh, chứ không phải là không có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, cần có cơ sở pháp lý để quản lý hộ kinh doanh như xây dựng một Luật về Hộ Kinh doanh.

Để xây dựng một Luật về hộ Kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tiến hành tổng kết về hoạt động của các hộ kinh doanh và cần thiết phải có một luật riêng để điều chỉnh. Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không gây ảnh hưởng nhiều, không hề gây ách tắc, cản trở tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hộ kinh doanh vẫn hoạt động, nộp thuế bình thường. Việc nghiên cứu có một Luật riêng thì sẽ góp phần phát triển các hộ kinh doanh và góp phần quản lý các hộ cũng tốt hơn. Chúng ta không nên cưỡng ép để đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.   

Phát biểu kết luận phiên họp về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần có Luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, việc hộ kinh doanh có nằm trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay cần có một Luật riêng thì hiện đang có những ý kiến khác nhau. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là để 02 phương án khác nhau này trình ra Hội nghị cán bộ chuyên trách, xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và thậm chí đưa ra Quốc hội thảo luận, quyết định./.

Bích Lan - Hoàng Quỳnh

Các bài viết khác