Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo một số nội dung
Đại diện Bộ Y tế cho biết, theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thì một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường khi đi vào hoạt động. Chính vì vậy, nội dung liên quan đến kết quả đánh giá tác động môi trường hoặc thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường là một trong các thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó: Báo cáo đánh giá tác động môi trường áp dụng đối với các dự án xây dựng cơ sở khám bệnh chữa bệnh và cơ sở y tế khác có quy mô từ 50 giường bệnh; Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường áp dụng đối với các cơ sở y tế còn lại.
Qua thực tiễn triển khai cho thấy, trên 50% bệnh viện tuyến huyện và hầu hết các trạm y tế đều không đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải nên nếu cấp giấy phép hoạt động thì không đủ điều kiện nhưng nếu không cấp vướng vào việc triển khai công tác khám, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, quy định này cũng gây khó khăn cho việc cấp phép đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới thành lập do khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa hoạt động thì sẽ không phát sinh nước thải. Do vậy, không thể có chứng nhận nước thải đạt yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, phần kê khai nhân sự và danh sách đăng ký hành nghề trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động còn trùng lặp và thiếu quy định cụ thể là hồ sơ nhân sự bao gồm các giấy tờ gì? Bên cạnh đó, trong hồ sơ chưa đề cập đến văn bản xác nhận thời gian kinh nghiệm đối với người phụ trách chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như người phụ trách chuyên môn của các khoa, phòng chuyên môn thuộc bệnh viện. Việc quy định phòng khám đa khoa phải có số lượng bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh hành nghề cơ hữu phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sỹ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám đa khoa là không phù hợp thực tiễn của hầu hết các địa phương, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Y tế chỉ rõ, Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định: "Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước". Quy định này đã hạn chế việc người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được mở các phòng khám ngoài giờ làm việc của họ.
Bên cạnh đó, việc Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định: "Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động." là không phù hợp với thực tiễn do để tránh quá tải, đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã phải tổ chức khám ngoài giờ (kể cả thứ bẩy và chủ nhật) do vậy nếu không cần tính thời gian làm tại phòng khám ngoài giờ thì chỉ thời gian làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cũng đã vượt quá số giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động do thay đổi loại hình kinh doanh (từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp hoặc ngược lại), thay đổi tên nhưng không có tài liệu chứng minh tên cũ. Chưa có quy định chi tiết về danh mục thuốc, trang thiết bị tối thiểu cho các loại hình phòng khám chuyên khoa và đa khoa, danh mục thuốc cấp cứu riêng cho từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Toàn cảnh cuộc họp Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật
Cũng liên quan về việc cấp giấy phép khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế chỉ ra rằng các quy định về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an ninh bệnh viện cũng còn những vướng mắc. Cụ thể, Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 4 tuyến gắn với hạng bệnh viện. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định dựa vào phân tuyến hành chính để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế,…Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện phát sinh những mâu thuẫn và bất cập.
Còn vấn đề an ninh bệnh viện mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh nhưng chưa có quy định cụ thểvề các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động này… nên mặc dù trong những năm qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người hành nghề như việc ký kết Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế, Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an ngày 23/01/2019 hay việc tổ chức các diễn đàn, chương trình truyền thông về bảo đảm an ninh bệnh viện vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Từ việc phân tích những vướng mắc, tồn tại trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, cụ thể là những bất cập trong về việc cấp giấy phép khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế nêu rõ, cần thiết xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý./.