HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN

24/03/2020

Thảo luận về dự án Luật Thư viện tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Nhiều nội dung của dự thảo Luật được cụ thể hóa, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển thư viện.

 

Nhiều quy định trong Pháp lệnh Thư viện không phù hợp với thực tế

Theo cơ quan soạn thảo, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Tuy nhiên, sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, như: Chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp năm 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của pháp lệnh không còn phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp

Nhìn một cách khách quan, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các thư viện là thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực sự được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết sự chủ động và sáng tạo.

Vì vậy, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, cải thiện đời sống của đội ngũ nhân lực thư viện, tạo sức hút của thư viện đối với người sử dụng... là những vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay trong thời gian tới.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển thư viện

Thảo luận về dự án Luật Thư viện tại Kỳ họp thứ 8, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và cho rằng, so với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện ra đời lần này đã có nhiều điểm mới, cần thiết cho sự phát triển thư viện Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Nhiều nội dung của dự thảo Luật được cụ thể hóa như về chính sách đối với thư viện, đa dạng hóa các loại hình thư viện, mở rộng chức năng của thư viện công lập… góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển thư viện.

Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, bày tỏ vui mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và quy định rõ ràng trong dự thảo Luật việc lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam và bày tỏ tin tưởng quy định này sẽ góp phần phát triển phong trào đọc và văn hóa đọc trong nước, tạo được sự quan tâm cổ vũ, khích lệ văn đọc trong cộng đồng.

Các đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với dự thảo quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 thư viện cấp tỉnh, đóng vai trò thư viện trung tâm trên địa bàn. Mô hình tổ chức hoạt động của thư viện cấp huyện, cấp xã sẽ do chính quyền địa phương quyết định bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội, nhu cầu người sử dụng thư viện ở địa phương. Một số ý kiến đề nghị mô hình thư viện cấp xã thành lập phòng đọc, lồng ghép thư viện cấp xã với thư viện cộng đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu

Tán thành với việc dự thảo Luật có các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào hoạt động thư viện, song cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về khai thác quản lý, tôn trọng bản quyền của các tài nguyên số. Các đại biểu cũng đề nghị lưu ý đến quy định về liên thông thư viện như điều phối liên thông, sử dụng hiệu quả tận dụng tối đa thông tin dùng chung của các thư viện được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận cho thấy các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và ủng hộ xây dựng Luật Thư viện để thúc đẩy văn hóa đọc của người Việt Nam, cũng như khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả của thư viện hiện nay. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là phải tổ chức thực hiện tốt Luật trong cuộc sống.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Thư viện

Chiều ngày 21/11/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thư viện (với tỷ lệ 91,51% số đại biểu Quốc hội tham dự tán thành). Theo đó, Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều; quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện… và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

Như vậy, Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Thư viện thành lập, đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động mà không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động theo quy định của Luật này./.

Thu Phương