ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIÁM SÁT ĐỂ NGÀY CÀNG NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI TRƯỚC YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN

09/12/2023

Qua kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vừa qua, với việc đẩy mạnh công tác giám sát dưới nhiều hình thức qua một kỳ họp, đã giúp Quốc hội quyết định được nhiều quyết sách sát thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trước yêu cầu đòi hỏi của cử tri, của nhân dân và thực tiễn đời sống.

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỔI MỚI CÔNG TÁC GIÁM SÁT GIÚP CHẤT LƯỢNG CÁC DỰ ÁN LUẬT NGÀY CÀNG SÁT THỰC TIỄN

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XV ĐẾN HẾT KỲ HỌP THỨ 4 VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát phải thực thi các kiến nghị một cách nghiêm túc, những hạn chế, vướng mắc phải được xử lý. Chế tài mạnh nhất của giám sát chính là công khai, minh bạch kết quả giám sát ra xã hội. Thực hiện tốt chức năng giám sát là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt chức năng lập pháp và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội. Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động giám sát sẽ tạo chuyển biến tích cực trong thực thi các chính sách đã được ban hành trên thực tế.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ. Một trong những đổi mới đáng chú ý của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, đó là hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Chính sự chuẩn bị “từ sớm, từ xa” đã giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát thống nhất và nhận diện cụ thể những việc cần phải làm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Hiệu quả của hoạt động giám sát sẽ tạo chuyển biến tích cực trong thực thi các chính sách đã được ban hành trên thực tế (Ảnh minh hoạ)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, qua hoạt động giám sát đã cung cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những thông tin có giá trị cho công tác chỉ đạo, điều hành để khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Qua các hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Bên cạnh những “quả ngọt”, thì hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế. Đó là có những báo cáo giám sát lẽ ra xác định rõ trách nhiệm phải nổi bật hơn nhưng cũng vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, việc “xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân còn mờ nhạt”. Vẫn biết rằng, tình trạng này không nhiều nhưng nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh gía, chuẩn bị "từ sớm, từ xa" hoạt động giám sát là rất cần thiết để việc thực hiện bảo đảm đúng lộ trình, đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Cùng với đó, báo cáo giám sát cũng phải thẳng thắn chỉ rõ những mặt được và chưa được của cơ quan chịu sự giám sát. Các kiến nghị giám sát phải đủ “sức nặng”. Khâu nào tốt, ai làm tốt thì cần được biểu dương, lan tỏa, cơ quan, đơn vị nào làm chưa tốt cần phải được chỉ rõ trong báo cáo. Sự công khai, minh bạch thông tin này rất cần thiết, là cơ sở quan trọng để có biện pháp xử lý sau giám sát. Đây cũng là cơ sở để cử tri, nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan quản lý.

Mục đích cuối cùng của giám sát là tạo sự chuyển biến tích cực trên thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở lĩnh vực phụ trách phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát. Với tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc phải có chế tài xử lý nghiêm khắc. Tránh tình trạng, kết luận giám sát được ban hành mà đối tượng chịu sự giám sát thực hiện cũng được, không thực hiện cũng chẳng sao. Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã tạo sự chuyển biến tích cực trên thực tế, được cử tri, nhân dân và chính cơ quan chịu sự giám sát đánh giá cao. Giám sát không phải là nhằm chỉ ra thiếu sót, tồn tại, hạn chế mà quan trọng hơn là qua đó, cơ quan giám sát giúp cơ quan quản lý thấy rõ hơn thực trạng để có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo đánh giá của TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 6 là minh chứng cho hiệu quả áp dụng nhiều hình thức giám sát trong 1 kỳ họp. Lần đầu tiên trong một kỳ họp, Quốc hội sử dụng tới 6 trong số 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội đã được luật định: Xem xét báo cáo của các cơ quan nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm; xem xét báo cáo giám sát của cơ quan của Quốc hội; rà soát hệ thống văn bản pháp luật. Trong 6 hình thức đã được giám sát tại Kỳ họp lần này, cử tri đặc biệt quan tâm các hình thức xem xét báo cáo (nhất là thảo luận kinh tế - xã hội), lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn. Từ đó nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống được đưa ra tại Nghị trường. Từ đó, Quốc hội xác định đúng mức trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, nhưng cũng nhìn nhận những khó khăn khách quan để đưa ra giải pháp sát thực tiễn

Theo TS Bùi Ngọc Thanh, kỳ họp thứ 6 còn thể hiện iệu lực to lớn của hoạt động tái chất vấn, thực sự là một cuộc kiểm soát quyền lực với hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến việc QH đã quyết luôn Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và Chính phủ đã khẩn trương hoàn thành xác định vị trí việc làm để có thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào đúng thời điểm 1/7/2024 mà Nghị quyết số 103/2023/QH15, ngày 9/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Như vậy, hoạt động giám sát đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp tục thực thi nghiêm chỉnh những phần việc còn lại.

Những đổi mới trong hoạt động giám sát tại kỳ họp thứ 6 và nửa nhiệm kỳ QH khoá XV luôn được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Minh chứng cho những quyết sách đúng đắn, kịp thời là tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Hiệu quả và những lợi ích có thể cảm nhận, hưởng lợi trong các chính sách kinh tế, an sinh xã hội và các chính sách vĩ mô khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ... đã làm cho cử tri, nhân dân càng ngày càng tin tưởng, quan tâm, theo dõi sát sao hơn các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của từng ĐBQH trên nghị trường. Cũng từ đó, cử tri và nhân dân đặt niềm tin vào tầm nhìn cũng như cách thức quản trị quốc gia của Quốc hội, Chính phủ thông qua các hoạt động thực thi quyền lực người dân, nhất là trong việc quản lý, phát triển nguồn lực kinh tế và xã hội, bằng các chính sách kinh tế, tài khóa, tiền tệ thông minh đang áp dụng.

Với các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Cử tri và nhân dân đồng tình với kết quả giám sát tối cao các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời đầy đủ, sát thực tiễn những vấn đề được chất vấn trên 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phản bác các luận điệu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, gây bất ổn xã hội và sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, cử tri và nhân dân mong rằng, Quốc hội và từng ĐBQH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dân cử địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tuân thủ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là về thời hạn giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng để vụ việc kéo dài hoặc rơi vào im lặng, dư luận hoài nghi, làm xói mòn lòng tin vào công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, nhìn lại nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, thông qua hoạt động giám sát ngày càng khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hải Yến