HÀ NỘI NÂNG CAO NĂNG LỰC, BẢO ĐẢM AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐẾN NĂM 2025

06/12/2023

Nhằm phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy, tại Kỳ họp 14, HĐND TP. Hà Nội Khoá XVI đã cho ý kiến về Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, Đề án cần quan tâm tuyên truyền, phát huy sức mạnh của người dân tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Cần quan tâm hậu kiểm trong phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, 2 đồ án quy hoạch cấp Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) đến thời điểm hiện nay đã cơ bản đồng bộ, có sự tương tác, tổng hợp, tạo ra nội dung lớn, đổi mới trong phát triển Thủ đô, như: kiểm soát không gian phát triển thành phố; thiết lập mô hình chùm đô thị; dự kiến phát triển 2 mô hình thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây Thủ đô; kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; hình thành 5 trục phát triển cơ bản…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng thông tin, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, sau khi 2 đồ án quy hoạch Thủ đô được Quốc hội, Chính phủ thông qua, thành phố phải xác lập chương trình, kế hoạch và nguồn lực, cơ chế chính sách phát triển đô thị, khắc phục hạn chế yếu kém của thời kỳ trước. Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện trong thời gian ngắn để tạo cơ hội phát triển mới cho Thủ đô đồng bộ, toàn diện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu 

Do đó, cho ý kiến vào Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiều đại biểu cho rằng, khi triển khai nên kết hợp với Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025". Khuyến khích các hộ hợp khối, xây dựng để đảm bảo phương án phòng chống cháy nổ, mỗi khu vực nên thiết kế để xe ô chữa cháy vào được.

Góp ý vào Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các đại biểu thống nhất với tên gọi và tầm nhìn của Đề án định hướng đến năm 2030 (không để tầm nhìn đến năm 2045) nhằm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đến. Đại biểu cho rằng, với mốc thời gian như vậy Đề án sẽ phải điều chỉnh các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ cho phù hợp với từng giai đoạn, bảo đảm tiến độ và tính khả thi từ nay đến 2025.

Có ý kiến đề nghị Đề án cần coi trọng các quy định ở khâu hậu kiểm. Cấp phép các cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng phải hậu kiểm về thiết bị phòng cháy chữa cháy, quá trình sử dụng, vận hành... Vì vậy, cần quan tâm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy với thời gian nhanh nhất, tốt nhất; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát đặc biệt tại các địa phương quản lý các công trình để kiểm đếm và tăng cường quản lý lĩnh vực này".

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương 

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương nhấn mạnh, năm 2022, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP. Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành. Đến tháng 9.2023 trước vụ hỏa hoạn xảy ra ở quận Thanh Xuân, HĐND thành phố cũng chủ động ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, HĐND thành phố đã giao cho UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Đề án này ở kỳ họp cuối năm. Trên cơ sở các nội dung chỉ đạo của HĐND, UBND thành phố đã giao Công an thành phố và các ngành liên quan xây dựng Đề án. Do đó, để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, Đề án cần quan tâm tuyên truyền, phát huy sức mạnh của người dân tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Hiện trên địa bàn thành phố nhiều loại hình nhà ở và phân cấp quản lý ở cấp xã nhiều nhất. Vì thế Đề án cần điều chỉnh lại các nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2022.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn (Ảnh minh hoạ)

Phân loại nhóm đối tượng áp dụng sớm các giải pháp phòng cháy, chữa cháy

Các đại biểu đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát để đảm bảo Đề án phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch theo Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cần phân loại các công trình, cơ sở có thể chịu thiệt hại nặng khi xảy ra cháy, ưu tiên các nhóm đối tượng, cơ sở, công trình để áp dụng sớm các giải pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng lực lượng PCCC cho thành phố. Nghiên cứu các giải pháp phù hợp với từng khu vực, tuyến phố, tuyến ngõ… Đặc biệt, cần bổ sung các giải pháp để hợp thửa, bố trí trạng thiết bị phòng cháy tại các khu dân cư, ngõ hẹp và loại hình công trình khác nhau, công trình đặc thù để đảm bảo công tác PCCC hiệu quả hơn...

Đối với nội dung báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023 - 2025, các đại biểu đề nghị, UBND thành phố tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính cần gắn chặt với thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về phân cấp (phân cấp kinh tế - xã hội, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi…) và đề án phân cấp ủy quyền, nhất là ủy quyền giải quyết thủ tục của UBND thành phố, các sở, ngành thành phố cho các quận huyện thị xã.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ

Tập trung rà soát khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của các huyện trong bối cảnh các huyện có nguồn thu thấp, hụt thu, đặc biệt là các huyện đề xuất sử dụng ngân sách huyện thực hiện nhiệm vụ chi cấp thành phố và các huyện khó khăn xa trung tâm, đề nghị thành phố nghiên cứu phương án phân cấp cho cấp huyện những công trình xây dựng mới và sữa chữa lớn từ 5 tỷ đồng; đối với sửa chữa nhỏ dưới 5 tỷ đồng nên giao cho hiệu trưởng các trường học thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp.

Trước đó, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp, đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ( PCCC, CNCH) với nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, CNCH chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác PCCC, CNCH. Trong giai đoạn này, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo an toàn PCCC đến các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất và các cơ sở trên địa bàn về biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy, nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC, CNCH để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn (đặc biệt việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt...); Tăng cường xây dựng phong trào và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC, CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" ; Kiện toàn củng cố về nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho các lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, lực lượng phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC, CNCH, nhất là các đối tượng nguy cơ cháy, nổ cao; xử lý dứt điểm các công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực thực hiện theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố; các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC, CNCH; trong đó, tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC, CNCH (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...); Chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC, CNCH, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng..;Tiếp tục nghiên cứu, có chế độ chính sách thiết thực để động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm PCCC, CNCH; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và CNCH hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC, CNCH; Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động PCCC, CNCH. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp (trong đó có hợp tác công tư, xã hội hóa) để mua sắm trang thiết bị PCCC, CNCH.

Để Nghị quyết vào cuộc sống, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp thành phố. Cơ quan, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công tác PCCC. 

Hải Yến