HÀ NỘI SẼ THỰC HIỆN CHẤT VẤN VÀ TÁI CHẤT VẤN NHỮNG VẤN ĐỀ NỔI CỘM TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐÔ THỊ
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 14 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP.HÀ NỘI
Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng 6,5-7,0%
Tại họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, HĐND thành phố đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của thành phố.Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; năng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.
Các đại biểu tham dự kỳ họp 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt.
Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển". Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được trình thông qua, thành phố đặt mục tiêu GRDP tăng 6,5-7,0%; GRDP/người 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4%; giảm 300-400 số hộ nghèo...
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Cơ cấu lại một số ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức...Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế. Thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu HĐND thành phố nhận định, mặc dù bối cảnh tình hình không thuận lợi nhưng kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các đại biểu đánh giá cao thành phố dự kiến hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bao gồm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu phiên thảo luận Tổ kỳ họp 14, HĐND TP. Hà Nội
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, đề nghị HĐND thành phố tiếp tục giám sát, đôn đốc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; tập trung hoàn thành các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3…; đẩy nhanh thực hiện đề án quản lý tài sản công, xây dựng chung cư cũ; tiếp tục quan tâm vấn đề nước sạch cho người dân, tránh xảy ra việc như thiếu nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai); rà soát lại các lĩnh vực đơn giá định mức quá thấp so với yêu cầu hoặc chưa có đơn giá định mức…
Còn đại biểu Lê Vĩnh Sơn, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nêu những nguy cơ đối với phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Thủ đô, như tốc độ tăng vốn đầu tư FDI và vốn nội địa thấp; dòng tiền tồn lại ở ngân hàng nhiều dẫn đến khả năng hấp thu của doanh nghiệp kém; bất động sản cũng đóng băng dẫn đến các ngành nghề khác bị ảnh hưởng theo… Đại biểu đề nghị cần phân tích sâu thêm về công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong công tác cải cách hành chính khi các chỉ số cải cách hành chính thành phố năm qua có xu hướng giảm; từ đó quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, môi trường, cải tạo chỉnh trang đô thị…
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội điều hành phiên thảo luận tổ về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu quy hoạch Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Đóng góp ý kiến vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, Thường trực HĐND thành phố đã giao HĐND thành phố thẩm tra Đồ án Quy hoạch chung nên đã có sự tham gia ngay từ đầu. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ vào tháng 6-2023, thành phố đã quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sau 6 tháng, đồ án được hoàn thành bài bản, công phu, thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hiện, các yếu tố liên quan đến 4 mốc thời gian (2030, 2045, 2050 và 2065) giữa Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khớp nhau. Do đó, đại biểu đề nghị các thông số liên quan Đồ án Quy hoạch chung được HĐND thành phố thông qua sẽ là luận cứ đưa vào Đồ án Quy hoạch Thủ đô. Và ngược lại, các nội dung như dân số, diện tích, tốc độ phát triển, trình độ nhân lực… được đề cập đến trong Đồ án Quy hoạch Thủ đô sẽ được bổ sung vào Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch phải giải quyết được vấn đề quan trọng là cải tạo chung cư cũ, hình thành các khu TOD lớn trong trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội tại các điểm dân cư truyền thống; các điểm đỗ xe tĩnh; xây dựng các công viên công cộng, công viên chủ đề, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch chung, vì không có quy hoạch chung thì đầu tư, tu bổ hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn; Việc phát triển không gian ngầm không chỉ cho Hà Nội mà còn là quy hoạch liên vùng Thủ đô, đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, nếu làm tốt quy hoạch ngầm liên vùng thì sẽ bảo đảm thuận tiện cho người dân sử dụng giao thông ngầm cũng như công tác quản lý dân cư trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp 14, HĐND TP. Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, 2 đồ án quy hoạch cấp Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) đến thời điểm này đã cơ bản đồng bộ, tổng hợp, tạo ra nội dung lớn, đổi mới trong phát triển Thủ đô Hà Nội, như kiểm soát không gian phát triển thành phố; thiết lập mô hình chùm đô thị; dự kiến phát triển hai mô hình thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây Thủ đô; kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; hình thành 5 trục phát triển cơ bản…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng thông tin, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, sau khi hai đồ án quy hoạch cấp Thủ đô được Quốc hội, Chính phủ thông qua, thành phố phải xác lập chương trình, kế hoạch và nguồn lực, cơ chế, chính sách phát triển đô thị, khắc phục hạn chế, yếu kém. Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện trong thời gian ngắn để tạo cơ hội phát triển đồng bộ, toàn diện cho Thủ đô.