ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỔI MỚI CÔNG TÁC GIÁM SÁT GIÚP CHẤT LƯỢNG CÁC DỰ ÁN LUẬT NGÀY CÀNG SÁT THỰC TIỄN

30/11/2023

Đánh giá về những kết quả đạt được tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương cho rằng, những đổi mới trong hoạt động Quốc hội, đặc biệt trong công tác giám sát đã ngày càng nâng cao chất lượng dự án Luật, ngày càng sát hơn với thực tiễn.

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XV ĐẾN HẾT KỲ HỌP THỨ 4 VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN

QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, nhiều đại biểu Quốc hội đều chung quan điểm cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch, ngày càng nâng cao chất lượng các dự án Luật. Trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá thế nào về chất lượng các dự án Luật và Nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6 lần này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương: Trước hết, phải đánh giá rằng, khối lượng công việc của kỳ họp này rất đồ sộ nhiều nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét rất nhiều các báo cáo quan trọng khác như báo cáo phát triển kinh tế xã hội giữa nhiệm kỳ, báo cáo giám sát của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Luật đất đai với số trang trong hồ sơ dự án Luật lên tới cả gần nghìn trang, nhưng Quốc hội cũng đã hoàn thành tất cả công việc với chất lượng rất tốt.

Tại sao tôi nói như vậy, bởi trong các phiên thảo luận tại tổ và  hội trường với các dự án luật, các đại biểu Quốc hội đều tham gia rất tích cực, hiệu quả. Nhìn ngay thấy là không khí tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn, tranh luận qua lại giữa các đại biểu với cơ quan soạn thảo để hiểu sâu hơn, kỹ hơn. Số lượng đại biểu tham gia mỗi phiên thảo luận cũng rất lớn.

Ngoài ra, kỳ họp này Quốc hội còn lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Có được kết quả từ việc lấy phiếu tín nhiệm thì các đại biểu Quốc hội không chỉ tập trung vào việc bỏ phiếu mà điều quan trọng nhất là các đại biểu Quốc hội đã qua một quá trình giám sát, đánh giá thật là toàn diện mọi mặt hoạt động của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Điều quan trọng nữa là  hoàn thành việc chất vấn và trả lời chất vấn với công việc khá lớn, không chỉ đơn thuần là đánh giá những công việc thực hiện tại kỳ họp thứ 5 mà từ Quốc hội khóa 14 cho đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 15. Đây là đổi mới rất quan trọng trong hoạt động chất vấn. Như vậy hoạt động của các tư lệnh ngành được xem xét qua 6 – 7 năm, thậm chí có những tư lệnh ngành còn chưa giữ cương vị là Bộ trưởng hoặc trưởng ngành nhưng vẫn phải sẵn sàng trả lời chất vấn về công việc của ngành mình trong cả một cái thời gian qua. Áp lực như vậy, nhưng các đại biểu Quốc hội đã hoàn thành rất tốt cái nội dung công việc tại kỳ họp.

Tuy nhiên, có những việc chưa hoàn thành, điều đó thể hiện sự thận trọng và tích cực của Quốc hội. Như  hai dự án luật Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo dự kiến ban đầu sẽ thông qua tại kỳ họp 6,  nhưng vẫn còn nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội, giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Do vậy, Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua hai dự án Luật này. Tôi thấy đây là sự thận trọng cần thiết trong công tác xây dựng luật pháp, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội nói chung và của các đại biểu Quốc hội nói riêng.

Ngoài ra, với hình thức tổ chức kỳ họp linh hoạt, chia thành hai đợt để các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hồ sơ dự án Luật, thì tôi thấy  rất hợp lý, để các đại biểu Quốc hội có thời gian để nghiên cứu sâu hơn, kỹ lưỡng hơn. Chính vì vậy, nhiều Luật chuyên ngành rất khó nhưng đại biểu Quốc hội tham gia góp ý rất tích cực như Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp chẳng hạn.

Phóng viên: Thưa đại biểu, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, công tác giám sát luôn được quan tâm và tiếp tục có đổi mới cách làm về cả nội dung và hình thức giám sát. Ngay giữa 2 đợt kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức riêng một Hội nghị trực tuyến để triển khai nhiệm vụ Giám sát năm 2024 của Quốc hội. đại biểu đánh giá thế nào về những chuyển biến của công tác giám sát của Quốc hội?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương: Giám sát luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Quốc hội bên cạnh việc xây dựng luật pháp để xem việc thực thi pháp luật như thế nào để có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề phát sinh khó khăn trong thực tiễn ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Trong chương trình giám sát năm 2024, tôi thấy có điểm mới. Với chuyên đề giám sát về lĩnh vực giao thông, giám sát song song với việc QH đang xem xét xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.  Việc chúng ta giám sát chuyên đề về giao thông trong năm 2024 có ý nghĩa rất lớn, đánh giá trên diện rộng việc thực hiện chính sách pháp luật quy định về lĩnh vực này như thế nào. Theo đó, kết quả giám sát đó còn có vai trò trực tiếp trong việc đóng góp xây dựng luật pháp.

Thứ hai nữa là đối với cái lĩnh vực Nhà ở, bất động sản cũng vậy. Chúng ta vừa thông qua pháp luật liên quan đến nhà ở và kinh doanh bất động sản. Chính vì vậy, việc tổ chức giám sát năm 2024 với lĩnh vực này đã thể hiện QH vào cuộc ngay từ đầu, giám sát ngay từ sớm, không ngồi chờ Chính phủ trình sang. Tôi cho rằng rằng đây là  đổi mới của Quốc hội, để nếu có những khó khăn, vướng mắc, những bất cập sẽ phát hiện sớm, điều chỉnh pháp luật sẽ sát hơn với cuộc sống.

Những đổi mới giám sát còn thể hiện ở việc chúng ta đã dần thay đổi tư duy và nhận thức về vấn đề giám sát. Từ việc hầu hết các địa phương đều sợ giám sát, đến nay họ đều mong muốn các cuộc giám sát của Quốc hội để xem xét, lắng nghe và phản hồi với cơ quan lập pháp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Khi nhận diện được những khó khăn, vướng mắc thì chúng ta sẽ có giải pháp tổng thể. Điều này chỉ Quốc hội mới giải quyết được. Nếu chúng ta thay đổi tư duy thì các địa phương sẽ thấy rằng những hoạt động giám sát hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tập trung xây dựng báo cáo đảm bảo chất lượng, để đạt hiệu quả cuộc giám sát.

Hiện chúng ta đã có nhiều đổi mới trong phương thức giám sát, xây dựng các chương trình giám sát tổng thể tránh trùng lắp về đối tượng giám sát. Từ đó, tại địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội căn cứ vào đó để làm sao xây dựng kế hoạch giám sát của Đoàn, thậm chí của cá nhân các đại biểu Quốc hội. Từ đó giám sát đã ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến