HÀ NỘI DÀNH NGUỒN LỰC ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

07/12/2023

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Kỳ họp thứ14, HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các tồn tại, bất cập, vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác quản lý giao thông đô thị. Từ đó, nhiều đề xuất ưu tiên hàng đầu các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, trong đó có đề án phát triển đường sắt đô thị

HÀ NỘI NÂNG CAO NĂNG LỰC, BẢO ĐẢM AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐẾN NĂM 2025

HÀ NỘI: NỖ LỰC HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG VÀ QUY HOẠCH CỦA THỦ ĐÔ

Ưu tiên hàng đầu các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách
Hiện các tồn tại, bất cập, vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác quản lý giao thông đô thị dẫn tới tình trạng quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển của thành phố, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của cử tri, nhân dân và đang được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vấn đề này đã được HĐND thành phố Hà Nội chất vấn để xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ghi nhận sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tập trung “truy vấn” về tiến độ triển khai một số dự án quan trọng, để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tổng thể các dự án giao thông

Từ đó, thực trạng một số dự án đầu tư công qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến không hiệu quả, khó khăn trong triển khai, gây bức xúc trong nhân dân, như: Dự án cải tạo quốc lộ 1 liên quan đến địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên..

Để tránh việc triển khai một số dự án qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến thiếu tổng thể, không hiệu quả, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở đã đề xuất tiếp tục đầu tư đối với 31 tuyến hạ tầng khung trên địa bàn thành phố, khép kín các tuyến đường vành đai, tuyến đường quốc lộ, trục hướng tâm, hệ thống cầu... nhằm bảo đảm hệ thống giao thông đường bộ kết nối và thông suốt. Với các dự án trải trên địa bàn nhiều quận, huyện sẽ được triển khai trên tinh thần không theo ranh giới hành chính mà với dự án có quy mô lớn sẽ chia phân kỳ và dừng theo các điểm dừng kỹ thuật để đầu tư đến đâu thì dự án, đoạn đường đó sẽ phát huy tác dụng khớp nối hạ tầng.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nêu hiện trạng nhiều công trình đầu tư không dứt điểm, phải điều chỉnh gây đội vốn, kém hiệu quả để chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải về vai trò tham mưu trong đầu tư các dự án.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, qua rà soát, các chỉ tiêu quy hoạch giao thông trên địa bàn thành phố mới thực hiện dưới 50%, đặc biệt, đầu tư các dự án đường sắt đô thị mới chỉ đạt 6,5%.Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm. Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn chới với “đuổi theo” tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng cho rằng, trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai. Ví dụ, đường Vành đai 2,5 có chiều dài 19,4km được chia là 13 đoạn; đường quốc lộ 21B dài 41km được chia làm 13 đoạn; quốc lộ 1A phía Nam cũng chia là 11 đoạn và trong đó, cá biệt có những đoạn chỉ đầu tư một nửa mặt cạnh ở trên địa bàn huyện Thường Tín...Chính vì thế, trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, thành phố bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí là 127.000 tỷ đồng, tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án”

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, Về thứ tự ưu tiên, thành phố dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút mà quá tải và có tình trạng ùn tắc; tiếp đó, đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với tỉnh ngoài liên kết với phương tiện hướng Bắc, Tây Bắc nhằm giảm tải cho trung tâm Thủ đô và đầu tư các cái đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án phục vụ cho 4 huyện lên quận…

Ngoài ra, nêu hiện trạng dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn, ga Hà Nội sau nhiều lần điều chỉnh, quá trình triển khai thi công gặp nhiều khó khăn thì hiện tiến độ triển khai chậm, cầm chừng, rào chắn lòng lề đường đang gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Với tiến độ và khó khăn nêu trên, Ban Quản lý dự án có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ dự án để về đích đúng cam kết”?.

Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, sau nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt, việc thành phố ứng khoảng 700 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả, đơn vị tư vấn đã quay trở lại vào đầu tháng 11-2023 và lập lại kế hoạch thực hiện đoạn trên cao của dự án. Cũng theo ông Nguyễn Cao Minh, dự kiến trong quý II-2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa tuyến vào khai thác thương mại. Đối với đoạn ngầm, hiện nay thì nhà thầu cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện “ba ca, bốn kíp” với tinh thần bảo đảm hoàn thành tiến độ dự án.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh 

Hà Nội sẽ xây dựng đề án riêng về phát triển tuyến đường sắt đô thị

Trả lời một số vấn đề được đại biểu chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên tỷ lệ giải ngân của Hà Nội vượt lên bình quân chung của cả nước. Ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 đạt 91,5% kế hoạch thành phố giao và hơn 100% kế hoạch Trung ương giao. Đối với việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư công, cuối năm 2023, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chủ động kiểm điểm sâu về vấn đề này để phân định rõ trách nhiệm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, quan điểm của thành phố là tháo gỡ, thúc đẩy, giúp các chủ đầu tư hoàn thành các dự án đủ điều kiện; đối với những dự án không thể triển khai, thành phố sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Về nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, những nội dung này đã được thành phố đề xuất, kiến nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế đặc thù, từ đó bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng. Thành phố đã rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, trong đó đặc biệt ưu tiên những tuyến đường giao thông kết nối với các tỉnh giáp ranh Hà Nội, từ đó nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường “ngoại giao giao thông” nhằm nâng cao hiệu quả kết nối liên tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị đề án riêng về phát triển đường sắt đô thị để bảo đảm có cơ chế, cách làm riêng, nguồn lực riêng một cách tổng thể, phấn đấu hoàn thành 12 tuyến đường sắt đô thị trong khoảng 20 năm tới.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với nhiều khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực giao thông đô thị mà cử tri kiến nghị, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tập trung tìm những biện pháp căn cơ hơn để từng bước xử lý những tồn tại được nêu, đồng thời tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; chủ động thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; cùng với sự đồng hành, ủng hộ, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, thành phố đã đạt được những kết quả khá tích cực và toàn diện.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn

Có thể đánh giá phiên chất vấn đạt hiệu quả khi 3 Phó Chủ tịch UBND thành phố; 8 giám đốc sở, trưởng ngành và Chủ tịch UBND hai quận Đống Đa, Hà Đông trả lời các vấn đề chất vấn của đại biểu. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên đôn đốc tiến độ thực hiện (đặc biệt là những nội dung đã tái chất vấn như: Dự án Nhà máy rác thải Núi Thoong; 148 Giảng Võ; 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt…); kịp thời xem xét, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai, để sớm hoàn thành và có các kết quả, sản phẩm cụ thể.

Tại phiên chất vấn, tái chất vấn lần này, các đại biểu cũng đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Theo đánh giá của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, sôi nổi và hiệu quả cao thể hiện trách nhiệm với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND theo Nghị quyết 594 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Hải Yến